Thứ Năm, tháng 8 28, 2014

Thiên Đình Trong Sân Đình


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo ngày 140828

Xã hội học về quyền lực bên Tầu


* Bốn thế hệ "hậu Mao" của bá tánh: Đặng, Giang, Hồ, Tập * 


Sau Đại hội 18 vào cuối năm kia và sau Nghị quyết Ba của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Hoa vào cuối năm ngoái, giới quan sát quốc tế vẫn phân vân về sự chuyển dịch quyền lực trong nội tình nước Tầu.

(Xin một ngặc đơn: Theo đúng phép chính danh của cụ Khổng nhà ta, hay nhà nó, cần ghi vài chữ về cách gọi tên nước Tầu, có đội mũ hay không thì tùy hỉ, Tầu hay Tàu đều đúng cả. Từ xưa rồi, dân ta vẫn gọi nước Trung Hoa hay Trung Quốc là nước Tầu. Gần đây nhất là trong bộ Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim! Mà căn bản về Hán văn hay Nho học thì cụ Trần không thiếu. Cái chữ thông tục về xứ láng giềng này là tầu còn khéo khắc đến quá khứ oai hùng của các thuyền nhân vượt biển tỵ nạn qua nước ta bằng tầu, trở thành khách trú. Bây giờ cái nước Tầu đó lại đòi làm chủ nước ta và muốn đòi thiên hạ gọi họ là quốc gia trung tâm của thế giới. Rồi những kẻ lười biếng hoặc bị nô lệ từ tiềm thức liền dùng chữ "Trung" để nói về Trung Quốc. Thí dụ như khẩu hiệu "Thoát Trung, Hướng Mỹ" mà nhiều người trong nước vừa đề ra sau khi suy nghĩ rất cạn. Họ quên chữ "Hoa" như Hoa kiều, Tân hoa xã, hay "Hoa quân nhập Việt" thời 1945, và gọi Hoa Kỳ là Mỹ. Họ cũng quên luôn chữ Tầu quá thông dụng trong dân ta. Dù mới chỉ là nói thì "Thoát Tầu, Hướng Mỹ" mới là cách nói đúng! Xin đóng ngoặc đơn).

Trở lại nội tình nước Tầu, Nghị quyết ba (Third Plenum) của khóa 18 được công bố từ Tháng 11 2013 - với 60 biện pháp cải cách mà chỉ có 20 biện pháp thuộc về lãnh vực kinh tế. Cho tới nay, việc tiến hành vẫn có vẻ ngập ngừng. Tác giả chính của tài liệu này, cũng là người chấp bút cho báo cáo chính trị trước Đại hội 18 của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sắp về hưu, là tân Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Tập Cận Bình.

Sau đó, chưa thấy họ Tập "đào sâu việc cải cách toàn diện" như tiêu đề của Nghị quyết Ba.

Ngược lại, dư luận thấy ông mở chiến dịch diệt trừ tham nhũng một cách sâu rộng và lên tới cấp đảng viên lãnh đạo, như nguyên Chủ tịch Ủy ban Chính pháp Trung ương Chu Vĩnh Khang, các đảng viên cao cấp trong khu vực năng lượng và thậm chí hai tướng lãnh đã từng là Ủy viên Bộ Chính trị của các khóa 16 và 17. Vì vậy, giới quan sát mới luận giải rằng Tập Cận Bình đang dồn nỗ lực thâu tóm quyền lực tới mức độ chưa từng thấy trong thế hệ lãnh đạo thứ ba là Giang Trạch Dân (1990-2002), hay thứ tư là Hồ Cẩm Đào (2002-2012). Có lẽ phải trở ngược lên Đặng Tiểu Bình trong thời kỳ 1980-1992 thì mới có hiện tượng tập quyền đến như vậy.

Trong khung cảnh ấy, các học giả quốc tế mới bình nghị về những xoay chuyển trong hậu trường chính trị nước Tầu để từ đó suy đoán ra động thái sắp tới của lãnh đạo Bắc Kinh. Bài này xin góp phần bình nghị về thiên đình quyền lực của "thiên triều".

Một cái sân đình rất to.


***


Có một cơ sở luận giải phổ thông mà không sai, là hệ thống quyền lực của nước Tầu cộng sản ngày nay vẫn mang màu sắc Trung Hoa.

Lãnh đạo là Hoàng đế ẩn mặt ở trên, ngày nay được gọi là Đảng, nhận thiên mệnh hiện đại từ "nhân dân". Cầm quyền là một triều đình được Đảng bố trí và chỉ chịu trách nhiệm với Đảng, như với Hoàng đế, chứ không phải là nhân dân hay bá tánh ở dưới. Triều đình ấy có mặt từ trung ương tới mọi địa phương để cai trị một lãnh thổ bát ngát và một dân số cực đông.

Họ cai trị qua các cấp đảng viên.

Nguyên tắc "dân chủ tập trung" có vẻ hiện đại hơn thời phong kiến xa xưa khiến các đảng viên dĩ nhiên là có quyền hơn người dân, nhưng họ không có quyền bằng nhau. Khái niệm "tập trung hàm nghĩa là chỉ có đảng viên thuộc vào thành phần cốt cán mới có thực quyền.

Trên cùng là loại 'cán bộ cao cấp', các đảng viên có tiềm năng lãnh đạo.

Nhiều công trình nghiên cứu về tổ chức đảng trong lịch sử từ đầu nguồn là năm 1921 cho tới gần đây có chỉ ra một sự phân bố khá phổ biến. Trong mấy chục triệu đảng viên, chỉ có hơn một phần trăm (1,1%) là thuộc loại đảng viên cốt cán, gọi là 'cán bộ'; tuyệt đại đa số tới hơn 90% của lớp cán bộ là người cầm quyền tại các cấp địa phương từ tỉnh trở xuống, chỉ có chưa đầy 0,1% là cầm quyền tại trung ương.

Trong thành phần cán bộ trung ương, có khoảng 0,7% là thành phần "cán bộ cao cấp', gaoli ganbu) phục vụ trong các ban ngành của đảng, các phủ bộ của  nhà nước, và chừng một phần ba của số này ngồi tại Bắc Kinh.

Suy ra từ số đảng viên là gần 87 triệu đảng viên tính đến Tháng Sáu năm nay, hệ thống "dân chủ tập trung" hay quyền lực tập trung cho phép ta tính nhẩm như sau: Chừng 1,1% (của 87 triệu đảng viên) tức là khoảng 950 ngàn là loại đảng viên cốt cán, trong số này gần 900 ngàn là cán bộ cấp tỉnh và các địa phương ở dưới. Số cán bộ của trung ương chỉ có chừng 50 ngàn, và trong thành phần này, số 'cán bộ cao cấp' trong các ban bộ chỉ có chừng nga ngàn năm trăm người, gồm có một ngàn ở tại Bắc Kinh.

Nếu đọc lại, ta thấy ra một sự lạ: lãnh đạo một xứ có một tỷ 350 triệu dân trên một diện tích 10 triệu cây số vuông là thẩm quyền của mấy ngàn người, dân số của một xã ấp.

Đã thế, trong số này, chỉ có 350 người là Trung ương Ủy viên. Họ chịu trách nhiệm trước 25 Ủy viên Bộ Chính trị và trên cùng là bảy đảng viên cấp lãnh đạo trong Thường vụ Bộ Chính trị. Chúng ta hiếm thấy mức độ tập trung quyền lực như vậy trong một quốc gia rộng lớn - nên cũng hiểu ra nhiều vấn đề của nước Tầu.


***


Những người ngồi trên thiên đình ngất ngưởng đó làm việc với nhau như thế nào? Chữ "làm việc" này cần được hiểu theo nghĩa cực rộng là tác động hay vận dụng, vì bao gồm việc ra chỉ thị, báo cáo, phê phán, thuyết phục, hăm dọa hay thậm chí mua chuộc bằng quyền và lợi.

Từ bên ngoài, giới quan sát thường xếp các đảng viên cán bộ cao cấp theo từng phe nhóm hay vây cánh.

Thí dụ như "cánh Thượng Hải" của Giang Trạch Dân, "Đoàn phái" của Hồ Cẩm Đào, "Thái tử đảng" của Tập Cận Bình, hay "nhóm Thanh Hoa" của giới chuyên gia trí thức tốt nghiệp trường đại học ưu tú tại Bắc Kinh, hoặc "tập đoàn dầu khí" của Chu Vĩnh Khang, v.v....

Cái sai lớn trong cách xếp loại ấy là chữ "của" vì thật ra quan hệ hay sự tác động giữa các đảng viên cán bộ cao cấp không thuộc vào một người hay một nhóm.

Quả thật Tập Cận Bình là con cháu đại công thần nên nằm trong thành phần "Thái tử đảng", mà cũng tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa lại đã phục vụ trong đảng bộ Thượng Hải. Và như nhiều đảng viên thuộc thế hệ lãnh đạo thứ năm, Tập Cận Bình còn chia sẻ một kinh nghiệm đau đớn là gia đình và bản thân từng là nạn nhân của 10 năm loạn lạc khi Mao Trạch Đông phát động Đại văn cách, Cách mạng Văn hóa Vô sản Vĩ đại, từ 1966 tới khi Mao tạ thế vào năm 1976.

Các lãnh tụ khác, như Tổng lý Quốc vụ viện là Thủ tướng Lý Khắc Cường hay Trương Đức Giang, Du Chính Thanh, v.v... cũng có những quan hệ chằng chéo như vậy. Vì thế, họ không lấy quyết định về chánh sách hay nhân sự căn cứ trên một khía cạnh riêng của quan hệ.

Nôm na, họ không là người của một nhóm, một phe hay một phái. Họ là một thiểu số ngồi trên thiên đình như một sân đình và giải quyết công vụ, hoặc đảng vụ của Hoàng đế lấn mặt, theo từng khía cạnh của nhiều quan hệ chằng chịt.

Chữ "quan hệ" này mới là chìa khóa vào thiên đình. Nó giải thích những vận động hay mua chuộc, thậm chí bán chác, giữa những người tập trung quyền lực của một quốc gia bát ngát có đầy vấn đề chồng chất.

Quan hệ ấy có thể thiên về nhận thức khi ta phân giải sự khác biệt từ khía cạnh chánh sách, tập quyền hay tản quyền, có tự do thị trường tới mức nào và cho những ai. Từ đó mới có những kết luận tạm bợ về phe cải cách hay thủ cựu. Tạm bợ mới là chính vì những đổi thay của tình hình.

Thay vì nhận thức, quan hệ ấy cũng có thể thiên về lợi tức, thiên về quyền lợi kinh tế của gia đình, thân tộc hay phe nhóm. Có lẽ đấy mới là chuyện then chốt vì dù có thuộc về hai phe tả hay hữu, cải cách hay thủ cựu, và dù luôn luôn nói về nhân dân hay giai cấp, các lãnh tụ trên sân đình đều có gia đình là đại phú, kể cả Tập Cận Bình.

Nếu có vẽ lại một cái thước đo tinh vi mà rắc rối như vậy, may ra chúng ta hiểu được tiến trình quyết định của lãnh đạo nước Tầu sau mỗi lần thay bậc đổi ngôi trên một thiên đình có mùi hương đảng của cái sân đình - và có kích thước xã ấp.

Rất Tẫu!

Thứ Tư, tháng 8 27, 2014

Những Trái Bom Nổ Chậm

Vũ Hoàng & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 140827
Diễn đàn Kinh tế 

Định hướng xã hội chủ nghĩa dẫn tới sự xuất hiện của các đại gia có quyền vay tiền làm bậy 
 
no-xau-305.jpg
* Bài báo của phóng viên Elizabeth Rosen trên tờ The Diplomat hôm 19/8 về các khoản nợ xấu của Việt Nam mà bà gọi là "trái bom nổ chậm". Screen capture" 



Hôm 19 Tháng Tám, nhà báo Elizabeth Rosen tại Hà Nội có một bài dài hơn hai nghìn chữ trên tờ The Diplomat về các khoản nợ xấu của Việt Nam mà bà gọi là "trái bom nổ chậm". Tháng Bảy trước đó, Ngân hàng Thế giới có báo cáo cập nhật về kinh tế Việt Nam với lời cảnh báo về dị biệt lợi tức đang đào sâu trong thực tế lẫn trong nhận thức của người dân. Diễn đàn Kinh tế tổng hợp các vấn đề này qua phần phân ích của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.


Nhiều rủi ro kinh tế xã hội

 

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, tuần qua dư luận quốc tế có chú ý đến lời báo động của một nhà báo ngoại quốc tại Hà Nội về một quả bom nổ chậm là các khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam. Theo bài báo của bà Elizabeth Rosen được đăng trên tờ The Diplomat về quan hệ quốc tế tại Á châu Thái bình dương, thì khoản nợ xấu sẽ mất có thể hơn gấp đôi con số chính thức và nhà cầm quyền Hà Nội vẫn trì hoãn giải quyết vì phải cải sửa toàn bộ cơ cấu kinh tế. Theo dõi tình hình kinh tế Việt Nam, ông có nhận xét gì về lời cảnh báo này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho là Việt Nam không chỉ có một trái bom nổ chậm là các khoản nợ không sinh lời và sẽ mất, mà còn gặp nhiều rủi ro kinh tế xã hội khác nữa. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về chuyện này, trước tiên về sự kiện vì sao Việt Nam lại chất lên một núi nợ sẽ sụp, và khi đó ta liên hệ đến trường hợp tương tự mà diễn đàn này cứ nhắc tới là kinh tế Trung Quốc.

Vũ Hoàng: Thưa ông, nếu vậy ta sẽ khởi đi từ đó, từ những nguyên nhân chung có thể dẫn tới hậu quả là sự sụp đổ tài chính. Xin ông bắt đầu trình bày cho bối cảnh.

Tôi cho là Việt Nam không chỉ có một trái bom nổ chậm là các khoản nợ không sinh lời và sẽ mất, mà còn gặp nhiều rủi ro kinh tế xã hội khác nữa. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta nhớ Tháng Chín này cũng đánh dấu một vụ khủng hoảng tài chính bùng nổ từ Hoa Kỳ khiến kinh tế thế giới bị nạn Tổng suy trầm khiến các Chính quyền Trung Quốc và Việt Nam ào ạt bơm tiền để kích thích sản xuất và từ đó chất lên một núi nợ.

- Tại Hoa Kỳ, thị trường gia cư có năm năm tăng vọt và tạo ra sự lạc quan hồ hởi và bong bóng đầu cơ rồi dẫn đến khủng hoảng khi bóng bể vào năm 2007. Lúc ban đầu, người ta cho là các khoản nợ sẽ mất có thể lên tới 500 tỷ đô la. So với một nền kinh tế có sản lượng hơn 15 nghìn tỷ thì khoản tiền bị mất chỉ lên tới 3% và nước Mỹ thừa sức vượt qua sóng gió như đã từng gặp sau vụ khủng hoảng các quỹ tiết kiệm và tín dụng vào quãng 1990. Thực tế lại không lạc quan như vậy vì tác dụng dây chuyền của cả một chuỗi đổ vỡ lây lan ra các lĩnh vực khác. Ta nên nhớ lại chuyện ấy để thấy rằng khi sóng gió nổi lên thì hậu quả sẽ tai hại gấp bội.

Vũ Hoàng: Thưa ông, từ một nền kinh tế cứ tưởng như giàu mạnh nhất thế giới là Hoa Kỳ mà nhìn qua Trung Quốc và Việt Nam thì ta có thể rút tỉa được bài học gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi trở lại hình ảnh của nền kinh tế uống sâm mà đạp xe cho mạnh để cỗ xe khỏi đổ. Khi kinh tế thế giới bị Tổng suy trầm vào các năm 2008 và 2009, cả Trung Quốc và Việt Nam đều có biện pháp kích thích như cho uống sâm. Nhưng vì cơ chế kinh tế chính trị của hai xứ này, luồng tín dụng được ào ạt bơm ra lại trước tiên trút vào khu vực doanh nghiệp nhà nước và tay chân của đảng viên cán bộ. Nền kinh tế gọi là "tư bản nhà nước", do nhà nước điều tiết và kiểm soát, mới dẫn tới hiện tượng ta gọi là "tư bản thân tộc" hay crony capitalism, là thân tộc của đảng viên cán bộ dễ vay tiền với điều kiện ưu đãi do chính sách tín dụng nhà nước.

- Nhờ ưu thế đó, họ có tiền nhiều và rẻ hơn so với điều kiện chung của thị trường và đưa luồng tài nguyên ấy từ nghiệp vụ đầu tư qua đầu cơ để kiếm lời thật nhiều và thật nhanh rồi thổi lên bong bóng. Đấy là cái nạn "ỷ thế làm liều" mà bất kể tới rủi ro. Các khoản tín dụng vay mượn này bao gồm nhiều nghiệp vụ có giá trị kinh tế rất thấp mà vẫn cứ được bút ghi là nâng cao sản lượng và thực tế trở thành những trái bom nổ chậm. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp loại vừa và nhỏ của tư nhân lại khó vay được tiền nếu không có quan hệ với các đại gia hay thân tộc và phải trả tiền lãi rất cao trên thị trường chui nên cũng gặp nguy cơ vỡ nợ.   


no-cong-400.jpg
Ảnh minh họa. AFP PHOTO.


Vũ Hoàng: Như vậy, thưa ông phải chăng Việt Nam trì hoãn giải quyết bài toán nợ nần này vì các doanh nghiệp mắc nợ nhiều nhất và bị rủi ro nhất lại liên hệ tới hệ thống kinh tế nhà nước?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là trong hiện tượng này, chúng ta có hai loại vấn đề.

- Thứ nhất là quyết định tài trợ thuộc diện chính sách như nước cứ chảy vào chỗ trũng và gây úng thủy, tức là tài nguyên phân phối không đúng chỗ, thí dụ như các tập đoàn kinh tế nhà nước được tự tiện lập ra công ty vệ tinh và thực hiện các dự án có tính chất đầu cơ không thuộc về mục tiêu nguyên thủy, thí dụ diển hình là đầu cơ về gia cư địa ốc, tức là bất động sản. Muốn hạn chế và kiểm soát các khoản tín dụng đầy rủi ro này thì Việt Nam phải tiến hành cải cách doanh nghiệp nhà nước, và triệt hạ các thế lực kinh tế ăn bám vào bộ máy nhà nước, Đây là điều rất khó, nên người ta mới trì hoãn việc cải danh và bố trí lại các khoản nợ của ngân hàng.

- Vấn đề thứ hai xuất phát từ hệ thống quản lý ấy là nạn thông tin thiếu minh bạch và trong sáng. Một phần là vì trình độ nghiệp vụ thấp của ngân hàng nên khó thẩm lượng được rủi ro tín dụng, nhưng phần chính là ý đồ ngụy trang số sách để có bảng kết toán không xác thực. Các ngân hàng có thể định giá lại tài sản thế chấp hoặc đảo các khoản nợ đáo hạn mà chưa trả được thành khoản nợ mới và nhờ vậy mà hạ thấp mức nợ xấu khó đòi và sẽ mất. Trình độ nghiệp vụ thấp và ý đồ ngụy trang cao đã mặc nhiên tạo ra nạn tham nhũng có lợi cho tay chân nhà nước.

 

Chưa phân biệt được đầu tư với đầu cơ


Vũ Hoàng: Ngoài hai loại vấn đề kết tụ vào nạn tham nhũng và tư bản thân tộc, ông còn thấy những nguyên do gì khác?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Doanh giới nói chung, cả công lẫn tư, vẫn chưa phân biệt được đầu tư với đầu cơ và dễ có phan ứng đầu cơ, tức là lấy rủi ro lớn mà không lường được hậu quả. Tinh thần chủ quan của hệ thống quản lý nhà nước lại nuôi dưỡng tinh thần đầu cơ ngắn hạn đó nên càng tích lũy thêm rủi ro mà lại tính không ra nên sẽ bị hậu quả bất lường.

- Nguyên do thứ hai là, như Trung Quốc, thị trường tài chính tại Việt Nam còn quá thô thiển, thiếu các phương tiện huy động vốn tinh vi hơn, cho nên mọi người đều phải lao vào thị trường tín dụng của ngân hàng và chất lên một núi nợ sẽ ụp mà Công ty Quản lý Tài sản của càc Tổ chức Tín dụng VAMC không thể đỡ nổi.

Vũ Hoàng: Có lẽ thính giả của chúng ta hiểu vì sao mà ông nhắc tới khoản nợ xấu của Mỹ được ước lượng là lên tới 500 tỷ đô la mà sau cùng lại cao gấp bội khiến một tập đoàn đầu tư như Lehman Brothers có tài sản hơn 600 tỷ mà cũng vỡ nợ và kéo theo nhiều công ty khác của Hoa Kỳ vào năm 2008. Bây giờ ta bước qua những rủi ro kinh tế xã hội khác mà ông đã nói hồi nãy. Thưa ông, đấy là gì?

Doanh giới nói chung, cả công lẫn tư, vẫn chưa phân biệt được đầu tư với đầu cơ và dễ có phan ứng đầu cơ, tức là lấy rủi ro lớn mà không lường được hậu quả. Nguyễn-Xuân Nghĩa


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước tiên, ta cần nhớ tới bối cảnh quốc tế còn quá nhiều rủi ro từ kinh tế đến an ninh khiến đà tăng trưởng toàn cầu có thể giảm trong năm nay và qua năm tới. Hậu quả sẽ là làn gió ngược làm giảm mức đầu tư và tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.

 - Thứ hai, riêng tại khu vực Đông Á là nơi có tốc độ tăng trưởng cao nhất, tình hình cũng kém khả quan khi kinh tế Trung Quốc sẽ trì trệ và nếu Hoa Kỳ giảm dần mức độ bơm tiền kích thích kinh tế. Hậu quả có thể là những biến động tài chính khá đột ngột và sự giảm sút của lượng nhập khẩu khiến Việt Nam gặp thêm khó khăn khi cần bán hàng ra ngoài.

- Chuyện thứ ba, ở bên trong Việt Nam, ta nên để ý tới mặt trái của một tin vui là đà lạm phát có thể hạ. Mặt trái đó là số cầu nội địa đã giảm và còn có thể giảm nữa. Điều ấy có nghĩa là mức sống của người dân bị nghèo đi và rủi ro vỡ nợ của các doanh nghiệp có thể tăng, với hậu quả còn dội ngược vào núi nợ xấu của các ngân hàng.

- Cũng bên trong Việt Nam, tình hình công chi thu của khu vực công quyền, nôm na là ngân sách nhà nước, có thể bị thiếu hụt nặng hơn 5%, cao hơn chỉ tiêu của nhà nước. Lý do chính là nguồn thu về thuế khoá có giảm khi các doanh nghiệp bị lỗ lã. Trong vài tháng tới, ta sẽ xem giới lãnh đạo kinh tế của Việt Nam xử trí thế nào khi Quốc hội thảo luận về Dự luật Ngân sách.

Vũ Hoàng: Sau cùng, thưa ông, trong báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam vừa được công bố tháng trước, Ngân hàng Thế giới dành nhiều trang cho một vấn đề là nạn dị biệt về lợi tức. Ông nghĩ sao về chuyện này, liệu đấy có là một quả bom nổ chậm khác như ông nói hay chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người ta thường có một ẩn dụ là khi thủy triều dâng thì cũng nâng mọi con thuyền lớn nhỏ, nghĩa là khi kinh tế có tăng trưởng thì giàu nghèo gì cũng đều được hưởng. Sự thật lại chẳng như vậy, riêng với Việt Nam thì lại tệ hơn vậy nên phúc trình của Ngân hàng Thế giới mới có lời cảnh báo.

- Nếu so với thời trước thì quả thật là mức sống dân cư của Việt Nam nói chung đã có cải tiến từ hai chục năm nay khi Việt Nam du nhập quy luật tự do của thị trường và từ bỏ con đường tập trung quản lý bằng kế hoạch nhà nước. Nhưng, nhận thức hay ấn tượng của người dân nay cũng đổi khác. Đa số đến 80% cư dân ở thành phố đang cho là khoảng dị biệt giàu nghèo đã đào sâu và đây là một nghịch lý của một chế độ tự xưng là theo "định hướng xã hội chủ nghĩa".

- Chúng ta có thể giải thích điều này ở lý do kinh tế vừa nói hồi nãy là người ta ít phân biệt đầu tư với đầu cơ. Nhưng lý do chính là tại thành phố, người ta chứng kiến trước mắt một lối sống xa hoa tới lố bịch của một thiểu số làm giàu rất nhanh nhờ quan hệ với hệ thống nhà nước. Cái định hướng xã hội chủ nghĩa do nhà nước đề ra chỉ dẫn tới sự xuất hiện của các đại gia, và đây là một quả bom nổ chậm về xã hội vì dẫn tới sự bất mãn của đám đông.

- Ra khỏi thành phố thì tình hình nông thôn lại còn bi đát hơn. Đa số dân cư ở nông thôn chưa có điều kiện sinh hoạt tối thiểu, với những yêu cầu căn bản về gia cư, y tế và giáo dục. Ở nhiều tỉnh miền Bắc hay miền Trung, cuộc sống của người dân thật ra chưa có cải thiện và dị biệt về lợi tức lẫn nhận thức đang trở thành một vấn đề chính trị, chẳng khác gì Trung Quốc là nơi có hơn trăm triệu người chưa kiếm nổi vài đô la một ngày.

- Vấn đề nhận thức này dẫn tới một nghịch lý là người dân mong nhà nước sẽ là giải pháp cứu vãn với biện pháp tái phân phối lợi tức cho dân nghèo, nhưng lại thấy nhà nước chỉ giúp cho một thiểu số làm giào rất nhanh. Vì vậy, nhà nước không là giải pháp mà là thủ phạm và nguyên do căn bản nhất vẫn là sự chuyên quyền của nhà nước thiếu dân chủ, nó trở thành công cụ bóc lột của thiểu số.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về lời cảnh báo này.

_________________________

Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

Thứ Ba, tháng 8 26, 2014

Ai Dít, Ai Xin, Ai Chơi Cù?



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 140825
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Hoa Kỳ Xoay Trở Với Thánh Đế Hồi Giáo


* Binh bộ Thượng thư và Nguyên soái - dưới quyền một Hoàng đế tồi * 

Đầu năm nay, khi dư luận nghe nói đến một lực lượng khủng bố xưng danh Thánh Chiến có tên là "Quốc gia Hồi giáo tại Iraq và Syria" (Islamic State of Iraq and Syria, viết tắt là ISIS), Tổng thống Barack Obama đã có lối ví von của kẻ hâm mộ thể thao. "Đấy chỉ là đội banh học sinh – JV, junior varsity. Có khoác áo của đội Lakers chuyên nghiệp thì cũng chẳng là Koby Bryant."

Koby Bryant là ngôi sao bóng rổ của đội Lakers lừng danh tại California.

Vài tháng sau, người ta biết thêm tổ chức ISIS này cũng có tên là Quốc gia Hồi giáo tại Iraq và Đông phương (Islamic State of Iraq and the Levant, viết tắt là ISIL). Cuối Tháng Sáu, ngay trước mùa chay Ramamdan, tổ chức Ai Dít hay Ai Xin thâu ngắn cái tên thành Islamic State, với tham vọng lập ra Đế quốc Hồi giáo Toàn cầu và Duy nhất, và với thành tích mở rộng vùng chiếm đóng từ phía Đông của Syria tới phía Tây Bắc của Iraq.

Sau đó là thành tích còn đáng tởm hơn, là chặt đầu nhà báo Mỹ James Foley trước ống kính truyền hình để tuyên truyền cho Thánh đế Hồi giáo, Caliphate hay Khilàfa.

Đang nghỉ hè và vụt banh trên sân cù (golf), Tổng thống Obama phải ra giọng nghiêm và buồn, mà tuyên bố rằng lực lượng IS này là chứng bệnh ung thư. Rồi đi vụt banh tiếp.

Trong khi đó, Tổng trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Martin Dempsey liên tục lên truyền hình cho báo chí biết mối đe dọa của lực lượng IS cho nước Mỹ và rằng Hoa Kỳ chẳng thể đánh bại tổ chức này nếu không có một khảo hướng toàn diện, "comprehensive approach", bao trùm lên cả Syria lẫn Iraq.

Hôm Chủ Nhật 24, Obama đã về thủ đô dưỡng sức sau chín trận banh cù trong hai tuần nghỉ hè tại khu vực đắt tiền Martha's Vineyard.

Đấy là cơ hội chúng ta tự hỏi là Hoa Kỳ có đối sách gì với chứng bệnh ung thư mà Tổng thống Mỹ đánh giá lầm là một đội bóng tay mơ?...


 ... có biệt tài ưỡn ẹo: Barack Obama

***

Trước hết, về địa dư chính trị, hồ sơ Thánh đế IS liên quan đến cả chục quốc gia, như Syria, Iraq, Iran, Turkey, Saudi Arabia, Qatar, Jordan, Egypt, Lebanon, Libya, Israel. Bên trong lại có nhiều hệ phái tôn giáo hay sắc tộc liên kết hoặc xung đột với nhau. Gói ghém cái chuyện nhiêu khê ấy theo kiểu mỳ ăn liền để nói vài phút trên truyền hình là điều bất khả.

Hoa Kỳ nhìn từ bên ngoài, tên của cột mục này, là nơi mà ấn tượng có thể làm nên chánh sách của Chính quyền này, rồi gieo họa cho chính quyền nối tiếp. Đối sách với Thánh đế IS cũng vậy.

Đi từ ngắn hạn, cục bộ và ít rủi ro nhất cho Chính quyền Obama là mở cuộc không tập vào bộ phận đầu não của lực lượng IS trong lãnh thổ Syria. Nếu có thông tin tình báo chính xác thì may ra diệt được cả lãnh tụ Abu Bakr al-Baghdadi. Muốn được tin tức tình báo thì phải hợp tác với các lực lượng ở tại chỗ. Nhưng, như Tướng Dempsey nhận định hôm Thứ Năm 21, rằng nếu chỉ oanh kích thôi thì cũng chưa thể đẩy lui kẻ thù.

Và hợp tác không khéo thì sẽ trao duyên lầm tướng cướp, hoặc can thiệp vào cuộc nội chiến hiện nay tại Syria.

Giải pháp mạnh hơn một chút, là mở cuộc không tập vào hạ tầng cơ sở quân sự, năng lượng và mạng lưới giao liên của quân địch tại Syria và Iraq. Nhưng khi đó, chắc chắn là nước Mỹ phải nhúng tay vào nội chiến tại Syria. Xứ này đang có chế độ độc tài của Bashar al-Assad với hệ thống phòng không vẫn còn khả năng. Đối nghịch là tổ chức IS và cả chục nhóm dân quân võ trang chống al-Assad, nhiều nhóm thì đan lượn và dời đổi lập truờng hoặc trao đổi võ khí như chong chóng.

Kết quả, hay hậu quả, có khi là phải cộng tác với chế độ al-Assad!

Chi bằng, giải pháp thứ ba, là ngầm liên kết với chế độ al-Assad và các giáo chủ tại Iran lẫn hệ phái Shia tại Iraq để xác định mục tiêu và phương thức tấn công. Ngoài chiến trường, kẻ thù của kẻ thù có thể là bạn. Miễn là Quốc hội hay quốc dân ở nhà không biết. Rủi ro chính trị cho một quyết định quân sự tầy trời ấy là điều một người đi trên mây như Obama cũng biết sợ. Huống hồ, hợp tác với Iran cũng có nghĩa là nhượng bộ về hồ sơ võ khí hạch tâm và gây lo ngại cho Saudi Arabia và Israel, là hai đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Với sự biểu đồng tình của các lãnh tụ đảng Dân Chủ thời ấy (Bill và Hillary Clinton, Joe Biden, Harry Reid, John Kerry, John Edwards, v.v...), năm 2003, Chính quyền George W. Bush nhảy vào Iraq, tiêu diệt chế độ Saddam Hussein và mặc nhiên giải phóng các thế lực hắc ám nhất trong khu vực. Lên kế nhiệm, Chính quyền Obama đảo ngược quyết định, tháo chạy khỏi Iraq, và tránh can thiệp vào Syria, với hậu quả là phải đứng trên tuyến đầu để chặn đường Thánh đế IS rồi cũng lại hợp tác với chế độ hung đồ của al-Assad.

Một giải pháp có vẻ an toàn hơn vậy về chính trị, là trong ba phe đang lâm chiến tại Syria (al-Assad, IS và các nhóm dân quân chống al-Assad) thì yểm trợ các nhóm dân quân này. Nhưng sự an toàn về quân sự lại thiếu bảo đảm vì các lực lượng võ trang ấy rất dễ đổi áo và đưa võ khí cho tổ chức IS để tấn công chế độ Assad. Vả lại, họ cũng học được tấm gương kinh doanh của tổ chức IS là bắt cóc con tin lấy về bạc triệu! Nay có thêm võ khí thì cũng tựa như hổ mọc cánh.

Chi bằng học ngón võ đảo điên của Richard Nixon.

Là từng bước công khai hóa việc hợp tác với chế độ độc tài al-Assad qua các quyết định giải tỏa lệnh cấm vận, thậm chí yểm trợ võ khí để cùng phối hợp việc tấn công tổ chức IS. Nghĩa là bỏ rơi các lực lượng dân quân chống al-Assad. Theo đà này, biết đâu chừng, còn mượn tay khủng bố al-Qaeda để diệt lực lượng hiếu sát xuất phát từ al-Qaeda? Khi ấy, Chính quyền Obama phải thuyết phục được quốc dân cái nhu cầu "dĩ độc trị độc". Nhưng sẽ nói sao với các đồng minh như Turkey, Israel và các vương quốc Hồi giáo trong vùng Vịnh Á Rập?

Không thể đi vào khảo hướng toàn diện mà tráo trở ấy, Hoa Kỳ chỉ còn giải pháp tạm bợ, ít ra cho qua kỳ bầu cử, là hỗ trợ các lực lượng võ trang của dân Kurd tại Syria y như lực lượng Peshmerga tại Iraq. Lợi thế của giải pháp này là chứng tỏ rằng Chính quyền Obama đang làm cái gì đó tại Iraq và Syria. "Làm cái gì đó" vốn dĩ là một sở trường của Tổng thống, dù rằng chằng đi tới đâu.

Có lẽ, Chính quyền Obama đang theo hướng ấy, khi Tướng Dempsey vừa được lệnh điều chỉnh tác xạ  - và phát biểu ngược vào hôm Thứ Hai 25: "Tổ chức IS không có dự tính tấn công Hoa Kỳ hay Âu Châu."

May quá!


_____________________________

Chuyện Chỉ Có Tại Nước Mỹ

Châu về Hợp Phố? Hôm 21 vừa qua, Cảnh sát tại Pennsylvania đã tìm ra pho tượng gỗ có kích thước bằng người thật của Tổng thống Barack Obama để trả lại cho người chủ. Cô chủ vạm vỡ này, tên là Tiffany Bruce, phải vào nhà thương vì thần kinh chấn động sau khi pho tượng bị ai đó đánh cắp. Cô tốn hơn ngàn bạc mua pho tượng từ năm ngoái tại một cửa hàng bán bàn ghế và đem trưng ở ngoài sân. Mùa Giáng sinh thì cho Tổng thống gỗ đội mũ ông Già Noel, mùa Halloween thì cho Tổng thống ôm trái bí ngô khiến năm đứa con đều thích thú. Thế rồi ai đó lại đánh cắp pho tượng quý và quăng xuống mương. Trâu vầy Hợp Phố.

Sau khi lấy lại báu vật, cô Bruce được lối xóm đề nghị là nên trang bị cho Tổng thống một cây gậy chơi golf. Thế mới là "hiện thực xã hội chủ nghĩa". 

Thứ Sáu, tháng 8 22, 2014

Chủ Nghĩa Tân Stalin


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo ngày 140821

Chủ nghĩa đế quốc, cộng sản, phát xít và chỗ tựa của Vladimir Putin  

* Tranh tuyên truyền về Josef Stalin *




Trong cuốn "Đèn Cù" của Trần Đĩnh do Người Việt vừa xuất bản – một cuốn bút ký chúng ta phải đọc – tác giả có một trang "ứa lệ" ở chương bốn.



Kể lại việc lãnh đạo cộng sản, từ Hồ Chí Minh trở xuống, tổ chức học tập cho trí thức vào mùa Thu 1953 trước khi phát động chiến dịch Cải cách Ruộng đất, tác giả Trần Đĩnh nói đến một buổi tối thình lình có kẻng gọi toàn thể lên hội trường. Tề tựu lâu rồi mà trên sân khấu vẫn vắng tanh. Sau đó, Tố Hữu ủ rũ đi vào, theo sau là "Cụ Hồ" và nhiều người khác.



Tố Hữu trình diễn màn nước mắt chan hoà để thông báo một đại tang: Đại nguyên soái Stalin vừa từ trần.



Dưới con mắt tinh tường và văn phong bình thản đến rợn người, Trần Đĩnh ghi lại cho chúng ta một biệt tài của Tố Hữu. "Ông ấy hình như tranh hơn thiên hạ cả ở chỗ được biết hung tin sớm hơn, do đó được ưu tiên đau xót trước và nhân thể lại tranh thủ dịp thị phạm cho lớp trí thức ngồi đây thái độ cách mạng đối với cái chết của lãnh tụ...."
















Cuốn "Đèn Cù" của Trần Đĩnh vừa được tờ Người-Việt xuất bản



Bối cảnh ứa lệ đó báo trước bài thơ nổi tiếng của Tố Hữu về lãnh tụ Stalin của Liên Xô ("Yêu biết mấy nghe con tập nói - Tiếng đầu lòng con gọi Sta-lin!... Thương cha thương mẹ thương chồng - Thương mình thương một thương Ông thương mười... Ơn này nhớ để hai vai - Một vai ơn Bác một vai ơn Người")


Còn Bác Hồ, người nghĩ gì về Người?


Trần Đĩnh kể lại: "Trước mặt tôi, Cụ Hồ cũng nức nở. Không ngừng đưa khăn tay màu trắng lên lau nước mắt và nước mắt thì cứ chảy trên hai má Cụ đỏ bóng vì khóc, vì xúc động." Có lẽ vì xúc động, Bác để quên hộp thuốc lá Trung Hoa Bài hình tròn ổ trên ghế khi lập cập về phòng riêng ở sau hội trường. Tác giả Trần Đĩnh là người cầm lấy hộp thuốc đem vào phòng Bác.

Ông thấy gì?


Trần Đĩnh kể lại: "Cụ ngửng lên nhìn và tôi bỗng thấy mình lạc lõng quá, vô duyên quá, tọc mạch quá. Mặt Cụ xưng lên, đầm đìa nước mắt, hai mắt húp lại, những nét tôi chợt thấy chỉ cốt để mình Cụ được biết, một cái gì hết sức bí mật, riêng tư. Cụ ngơ ngẩn nhìn tôi, nhìn hộp thuốc lá như không hiểu tôi vào làm gì, cái hộp kia là gì và của ai..."


Hồ Chí Minh là người có tài đóng kịch, còn hơn giọt nước mắt Tố Hữu trước hội trường. Nhưng dường như là ông khóc thật cho Josef Stalin....


Mà vì sao lại nhắc đến Stalin ở đây? Vì sự hồ hởi của các thị trường tài chánh tuần qua khi có tin là Vladimir Putin có vẻ hòa dịu trong vụ khủng hoảng Ukraine....


***


Nói đến lãnh tụ Josef Stalin hay Iosif Vissarionovich Stalin (sinh ngày 18 Tháng 12 năm 1878 - sau khi nắm quyền từ 1922 thì tự sửa lại là ngày 21 Tháng 12 năm 1879 - mất ngày năm Tháng Ba năm 1953), hậu thế đều nhớ tới chiến dịch tranh trừng đẫm máu nhằm tiêu diệt mọi đối thủ trong đảng. Có một thời, cuộc thanh trừng được gọi trong lịch sử nước Nga là "Khủng bố Stalin".


Thời ấy, các đảng viên có ba ngả chọn lựa: sùng bái Stalin, bị tử hình hay vào trại cải tạo.


Truyện tiếu lâm thông dụng về sau là có ba anh ngồi bắt chấy cho nhau trong tù - và hỏi nhau. Vì sao đồng chí lại vào đây? - Vì tôi chống Molotov. Anh kia gật gù: "Vì tôi ủng hộ Molotov", và họ nhìn người tù thứ ba. "Các đồng chí chẳng nhận ra sao? Tôi là Molotov!"


Cái lô gích quái đản thời ấy là Stalin không chỉ gây cảnh tàn sát trong đảng và cả quân đội bằng những phiên toà bi hài từ 1934 đến 1939. Tên bạo chúa còn nhìn xuống dưới và phất tay cho hai chục triệu thường dân đi vào trại cải tạo, phân nửa thiệt mạng vì đói và bệnh. Stalin cũng mở ra những cuộc di dân cưỡng bách để tiêu diệt khả năng cưỡng chống của các sắc tộc thiểu số, nguyên nhân của những tranh chấp ngày nay.


Sau khi lên cầm quyền, Nikita Krushchev mới nói đến tệ sùng bái cá nhân của Stalin và cho viết lại lịch sử.


Nhưng, y như Đặng Tiểu Bình với Mao Trạch Đông sau này, lịch sử được viết lại từ thời Krushchev mà có chọn lọc. Phần tích cực vẫn lớn hơn tiêu cực. Sai lầm thì có, tội ác thì không. "Cơ bản thì tốt thôi".


Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Vladimir Putin, nước Nga cũng đang viết lại lịch sử và vẽ ra một chân dung màu hồng của Josef Stalin.


Nếu không mủi lòng nức nở như Hồ Chí Minh hay Tố Hữu, ta có thể thấy Stalin có biệt tài thâu tóm bốn chủ nghĩa đáng tởm nhất của thế kỷ 20: chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa quốc gia cực đoan và chủ nghĩa phát xít. Vladimir Putin đang bước lên, hay trôi xuống, bốn dòng thác cách mạng đó. Chung quanh ông, một số phần tử quốc gia cực đoan đang cổ xúy cho chủ nghĩa Đại Nga.


Việc Putin thôn tính bán đảo Crimea và khuynh đảo xứ Ukraine được các phần tử phát xít này nhiệt liệt ca ngợi. Mươi năm về trước, họ chê Putin là thế lực đỡ đầu của bọn tài phiệt nên họ lãnh đòn thù của lãnh tụ. Ngày nay, họ thần phục Putin, như người tiếp nối sự nghiệp Stalin.


Và lịch sử lại được viết lại, với Stalin ở vào vị trí được trọng vọng. Nước Nga đang vùng dậy đẩy lui thế lực Tây phương và nếu có nhen nhóm không khí Chiến tranh lạnh thì cũng tốt thôi!


Trong khi đó, truyền thông Tây phương hồ hởi khi có tin là chuyến xe cứu trợ của cơ quan Hồng thập tự được phép vào Ukraine. Rồi thị trường cổ phiếu tăng vọt khi có lời tiết lộ về một cuộc hòa đàm cho Ukraine....


Khi theo dõi tin tức về các thị trường tài chánh, người viết bèn nhớ lại những vụ xét lại trong lịch sử. Mà rùng mình.


***


Bài viết này khởi  sự với giọt nước mắt họ Hồ trước khi đảng ta phát động cuộc Cải cách Ruộng đất đẫm máu – theo chỉ thị của Trung Quốc. Nói đến bốn dòng thác của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa quốc gia cực đoan và chủ nghĩa phát xít thì cũng là cách mô tả Trung Quốc thời nay. Y như Mao Trạch Đông, Stalin vẫn có vị trí chói lọi trong tâm khảm của nhiều nhà lãnh đạo Bắc Kinh.


Bao giờ Hà Nội mới tự giải ảo?