Thứ Năm, tháng 4 28, 2016

Bầu Cử Tổng Thống tại Hoa Kỳ

Nguyên Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 160427
"Diễn đàn Kinh tế" 
 
Sau khi thắng, Tổng thống tân cử mới thấy hết những khó khăn kinh tế đang chờ đợi nước Mỹ  

000_A02UU-622.jpg
* Những người ủng hộ Bà Hillary Clinton tại Philadelphia, Pennsylvania hôm 26/4/2016.
AFP/EDUARDO MUNOZ ALVAREZ * 





Cuộc tranh cử Tổng thống tại Hoa Kỳ đi vào giai đoạn quyết liệt khi các ứng cử viên từ hai đảng chính là Dân Chủ và Cộng Hòa ráo riết thuyết phục cử tri của đảng ủy thác cho mình quyền đại diện đảng để ra tranh cử vào ngày Thứ Ba mùng tám Tháng 11 tới. Khác với nhiều lần trước, lần này cuộc tranh cử Tổng thống có đặc tính sôi nổi và thậm chí gay gắt trong khi một hồ sơ lớn là kinh tế lại chưa được các ứng cử viên trình bày cho rõ ràng.

Quyền hạn của Tổng thống

 

Nguyên Lam: Nguyên Lam xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, vòng sơ bộ của cuộc tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ đang đi vào kết thúc sau khi 17 chuẩn ứng cử viên đã bỏ cuộc để năm người còn lại trong hai đảng lớn cố gắng xin phiếu cử tri để được đại diện đảng tham gia cuộc tranh cử trên bình diện toàn quốc vào ngày thứ Ba mùng tám tháng 11 tới đây. Vì không khí tranh cử năm nay quá khác thường so với những lần trước nên Nguyên Lam đặc biệt đề nghị ông trình bày cho quý thính giả của chúng ta cùng hiểu thêm về một sinh hoạt chính trị quan trọng nhất của nền dân chủ Hoa Kỳ trong bối cảnh thật ra chưa mấy sáng sủa về kinh tế.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi rất thông cảm với đề nghị của cô Nguyên Lam vì mọi người gặp nhiều ngạc nhiên với vòng sơ bộ kéo dài gần một năm qua nên ta phải cố tìm hiểu và phần nào giải thích được những gì đã xảy ra. Đúng là cuộc tranh cử chính thức chưa bắt đầu giữa hai đảng mà chúng ta mới chỉ chứng kiến hai cuộc tranh cử song song ở trong hai đảng lớn là Dân Chủ và Cộng Hòa. Tôi xin khởi sự từ bước đầu tiên là trình bày về yêu cầu bầu cử.

Khác với nhiều quốc gia dân chủ, Tổng thống Mỹ thật ra không có toàn quyền, khi chấp chính thì phải dung hòa quan điểm với Lập pháp gồm hai viện của Quốc hội, với quyền Tư pháp cao nhất là Tối cao Pháp viện. Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Từ ngày lập quốc cách nay hơn 220 năm, Hoa Kỳ đã chọn thể chế cộng hòa trong ý nghĩa là người dân bầu ra các đại biểu của mình để giải quyết công vụ cho cả quốc gia. Trong số này, người đại biểu quan trọng nhất có nhiệm vụ cầm đầu Hành pháp, đấy là Tổng thống. Khác với nhiều quốc gia dân chủ, Tổng thống Mỹ thật ra không có toàn quyền, khi chấp chính thì phải dung hòa quan điểm với Lập pháp gồm hai viện của Quốc hội, với quyền Tư pháp cao nhất là Tối cao Pháp viện. Mà riêng về kinh tế thì lại không thể vượt qua được nhiều quyết định của một cơ quan độc lập là Ngân hàng Trung ương. Sau cùng, Tổng thống là đại biểu của chính quyền Liên bang còn phải tương nhượng với các đại diện dân cử cầm đầu Hành pháp của tiểu bang là các Thống đốc. Riêng về Quốc hội, Hạ viện gồm có 435 Dân biểu lại được người dân bầu lại cứ hai năm một lần và Thượng viện gồm 100 Nghị sĩ thì được bầu lại khoảng một phần ba cho một nhiệm kỳ là sáu năm. Vì vậy, điều đáng nhớ ở đây là Tổng thống Mỹ không có nhiều quyền hạn như người ta có thể lầm tưởng.

Nguyên Lam: Như ông vừa trình bày, Nguyên Lam xin được hỏi thêm rằng về mặt kinh tế thì Tổng thống Hoa Kỳ có thực quyền hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Điều đáng chú ý là trong nền kinh tế thị trường và lại toàn cầu hóa của Hoa Kỳ thì chính là thị trường, cả quốc nội lẫn quốc tế, mới chi phối sinh hoạt kinh tế mạnh nhất chứ không phải là Tổng thống. Thứ nữa, trong cơ chế chính trị Hoa Kỳ, Hạ viện mới có thẩm quyền nhất về ngân sách và thẩm quyền ấy cũng chi phối khả năng can thiệp của Tổng thống theo hướng này hay hướng kia. Sau cùng, Ngân hàng Trung ương với trách nhiệm về chính sách tiền tệ và tín dụng lại tác động mạnh hơn nhiều quyết định của Hành pháp.

- Nền kinh tế thị trường có thể biển chuyển theo chu kỳ, khi thì tăng trưởng, khi lại bị suy trầm và Tổng thống cùng các định chế kia chỉ có khả năng ban hành những biện pháp giảm thiểu sự thiệt hại khi kinh tế bị suy trầm hay thậm chí khủng hoảng, chứ thật ra Tổng thống Mỹ không gây ra suy trầm kinh tế hoặc tự mình đẩy lui nạn thất nghiệp. Cái gọi là “công” hay “tội” ấy thuộc về tập thể, kể cả chính sách thuế khóa hay ngân sách của các tiểu bang, và tùy thuộc nhất vào thị trường có cả triệu cả tỷ người. Vì vậy mà người ta có tiểu bang bị thất nghiệp thấp và ngân sách quân bình trong khi tiểu bang khác lại bị bội chi hoặc tăng trưởng thấp khiến doanh nghiệp và công nhân có thể đi qua tiểu bang khác tìm lợi thế cao hơn. Tuy nhiên, trong vòng tranh cử thì các ứng viên có quyền nêu quan điểm về công hay tội của đối thủ và đề nghị chương trình cứu vãn và cử tri là thành phần phán xét sau cùng, bằng lá phiếu.

 

Ai chịu trách nhiệm nạn suy trầm kinh tế?

 

000_A03RB-400.jpg
Ứng cử viên Tổng thống Donald Trump phát biểu tại New York hôm 26/4/2016. AFP/KENA BETANCUR.


Nguyên Lam: Theo như ông trình bày thì phải chăng Tổng thống không gây ra nạn suy trầm kinh tế và nếu có biện pháp giảm thiểu nạn thất nghiệp hoặc thúc đẩy sự toàn dụng là tìm ra công ăn việc làm cho lực lượng lao động thì các biện pháp này là kết quả của sự hợp tác hay thậm chí của những mâu thuẫn giữa Hành pháp, Lập pháp và Ngân hàng Trung ương lẫn các Thống đốc và cả Quốc hội của tiểu bang. Thưa ông, sự thể có phải là vậy hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là đúng như vậy và cũng vì vai trò của các tiểu bang mà chúng ta càng nên để ý đến vòng tranh cử sơ bộ. Luật lệ tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ thường xuyên thay đổi ở hai cấp khác nhau; trước hết là trong nội bộ từng đảng của hai đảng chính, thứ đó là ở từng tiểu bang. Tinh thần chung và rất dân chủ là các tiểu bang nhỏ bé hay thưa dân cũng có quyền chi phối kết quả bầu cử ngay từ đầu chứ họ không bị loại ra khỏi tiến trình đề cử người đại diện và ứng cử viên chỉ cần hốt phiếu của một chục tiểu bang lớn nhất là thành Tổng thống!

- Thứ hai là tại vòng sơ bộ, thành phần năng động và thiết tha nhất đến kết quả bầu cử là lớp người tự nguyện đã sớm vận động từ các quản hạt địa phương trở lên. Dù chỉ là thiểu số đầy nhiệt tình trước sự quan sát của đa số còn lại, họ gây ảnh hưởng lớn trong dư luận và vào cuộc tranh cử sau này khi tham gia cử tri đoàn tại địa phương và trở thành đại biểu tham dự Đại hội đảng vào mùa Thu của năm tranh cử. Vì nhiều yếu tố kinh tế, chính trị và cả tâm lý, thành phần đầy nhiệt tình ấy đang gây sôi nổi trong dư luận với những lập trường có thể là đơn giản và quá khích. Nhưng sau cùng thì từng bước tranh cử trong mỗi đảng sẽ tuyển ra người được đa số ủng hộ để có thể tranh thủ cử tri toàn quốc vào ngày bầu cử. Nhân đó thì ta cũng nên để ý là việc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ có thể thức gián tiếp hơn là trực tiếp. Dân Mỹ bầu ra cử tri đoàn hay đại biểu của đảng và thành phần này mới chọn Tổng thống.

Nguyên Lam: Thưa ông, phải chăng là vì vậy mà tại vòng sơ bộ của mỗi đảng, chúng ta chưa thấy các ứng cử viên trình bày chương trình hành động sẽ áp dụng sau này nếu họ đắc cử?

Thật ra Tổng thống Mỹ không gây ra suy trầm kinh tế hoặc tự mình đẩy lui nạn thất nghiệp. Cái gọi là “công” hay “tội” ấy thuộc về tập thể, kể cả chính sách thuế khóa hay ngân sách của các tiểu bang, và tùy thuộc nhất vào thị trường có cả triệu cả tỷ người. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ mục tiêu của việc tranh cử là tìm người có khả năng tranh cử giỏi nhất, tức là có tài tổ chức và huy động cảm tình viên trong thành phần tôi gọi là “có nhiệt tình”. Chính là thành phần tích cực này mới là lực lượng tiên phong đi vận động cho ứng cử viên của mình từ dưới cơ sở và sinh hoạt đó có màu sắc đích thực là dân chủ trực tiếp. Vì Hoa Kỳ là quốc gia rộng lớn với quá nhiều khác biệt nên việc bầu cử lãnh đạo tối cao đã tiến hành thật sớm và kéo dài quá lâu. Việc vận động tiền quyên góp và ủng hộ là cần thiết để bộ máy tranh cử có thể duy trì nhịp độ hoạt động cho tới kết quả sau cùng, nhưng dù cần thiết, tiền bạc vẫn không là yếu tố quyết định. Những ai cứ cho rằng các thế lực tiền bạc hay tài phiệt có thể bố trí để người này người kia lên làm Tổng thống Hoa Kỳ đã thấy điều này không đúng và trong số 17 chuẩn ứng cử viên đã bị loại bỏ từ đầu năm nay, nhiều người có quỹ tranh cử rất dày mà cũng chẳng mua được phiếu và không tranh thủ được thành phần tích cử ở cơ sở.

Nguyên Lam: Quả thật là cuộc tranh cử năm nay cho thấy rằng tiền bạc không chi phối được kết quả bầu cử. Nhưng thưa ông, yếu tố thành công quan trọng nhất là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Có một nghịch lý là cuộc tranh cử nhắm vào người có tài tranh cử cao nhất, với ban tham mưu tranh cử có khả năng tổ chức để từng bước tranh thủ và thuyết phục được các tiểu bang trong một cuộc đua kéo dài. Người đắc cử chưa chắc đã thành tổng thống giỏi. Lý do là khi tranh cử, các ứng viên có thể nghĩ thế này và nói thế nọ về những việc sẽ làm nếu mình đắc cử, mục đích chỉ là để thắng cử mà thôi. Chứ vị Tổng thống tân cử sẽ sớm khám phá rằng sự thật lại phức tạp hơn vậy và không dễ giải quyết một cách đơn giản bằng khẩu hiệu tranh cử. Chuyện thứ hai là vị Tổng thống tân cử lại còn bị yếu tố bất ngờ và lãnh di sản cũng bất ngờ của người tiền nhiệm.

- Thí dụ như khi tranh cử năm 2000, Thống đốc Texas là ông George W. Bush chủ trương ưu tiên cải cách kinh tế xã hội bên trong và đề cao tinh thần khiêm cung với bên ngoài chứ không nên áp đặt các giá trị tinh thần của nước Mỹ cho xứ khác. Nào ngờ là sau khi đắc cử, ông gặp biến cố bất lường là vụ khủng bố 9-11 năm 2001 khiến Hoa Kỳ, một siêu cường hải quân, lại khai chiến trong một khu vực hiểm trở bị khóa trong lục địa là Afghanistan. Khi tranh cử năm 2008, Nghị sĩ Barack Obama hứa hẹn triệt thoái khỏi chiến trường Iraq rồi Afghanistan mà rốt cuộc là gần hết hai nhiệm kỳ của ông, binh lính Mỹ vẫn hiện diện ở hai nơi đó và còn phải tham chiến tại Syria để chống tổ chức xưng danh Nhà nước Hồi giáo ISIL. Nhìn xa hơn vào lịch sử, ông Abraham Lincoln chẳng thể ngờ là khi làm Tổng thống, ông phải lấy quyết định quân sự khốc liệt trong trận Nội Chiến và lại còn cho tạm hoãn đạo luật bảo vệ nhân thân “habeas corpus”. Khi tranh cử, ông không nêu lập trường gì về quy chế nô lệ mà cuối cùng lại giải phóng nô lệ.

Nguyên Lam: Bây giờ, chúng ta bước qua hồ sơ kinh tế. Thưa ông, vị Tổng thống tân cử của Hoa Kỳ sẽ long trọng tuyên thệ nhậm chức vào ngày Thứ Sáu 20 Tháng Giêng năm 2017 phải làm những gì với các vấn đề kinh tế của nước Mỹ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ vị Tổng thống tân cử sẽ khám phá là tình hình kinh tế xã hội lại còn khó khăn hơn nhận thức ban đầu và chính những khó khăn ấy mới khiến cuộc tranh cử năm nay có không khí quyết liệt. Khó khăn đầu tiên không thể giải quyết một mình trong một nhiệm kỳ bốn năm là sự sa sút về mức sống của thành phần trung lưu. Chiều hướng ấy xảy ra từ vài chục năm nay và trở thành gay gắt hơn sau nạn Tổng suy trầm năm 2008. Hồ sơ thứ hai là kinh tế Mỹ giảm đà tăng trưởng trong khi mắc nợ nhiều hơn vì bội chi ngân sách lẫn thâm hụt sẽ còn tăng của các quỹ An sinh Xã hội, Trợ cấp Y tế và Bảo hiểm Sức khỏa cho toàn dân. Muốn giải quyết việc nợ nần quá lớn này thì phải có tăng trưởng để thêm nguồn thu thuế khóa, muốn giảm mức bội chi thì phải tăng thuế nhưng tăng thế nào để khỏi gây bất lợi cho sản xuất? Đây chỉ là ba hồ sơ nóng nhất trong cả chục hồ sơ mà vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ không thể có chìa khóa thần kỳ và lại phải dung hòa quan điểm với Lưỡng viện Quốc hội. Điển hình là các hiệp ước tự do thương mại mà chúng ta đã có lần đề cập vào tháng trước.


- Cảm nghĩ sau cùng của tôi là hình như các bậc Quốc phụ của nước Mỹ cố tình tạo ra ách tắc chính trị để Chính quyền gồm có Hành pháp và Lập pháp kiềm chế nhau trong khi lại mở rộng không gian sinh hoạt cho các công dân và chính là công dân với quyền tự do sẽ tìm ra giải pháp thỏa đáng cho đa số trong xã hội. Có lẽ đấy là một đặc tính của nền dân chủ Hoa Kỳ.

Nguyên Lam: Xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

Liên Âu Tan Rã – Hoa Kỳ Bất Lực



Hùng Tâm - Người-Việt Ngày 160427
Hồ Sơ Người-Việt


Cơn Ác Mộng Sắp Tới Của Tổng Thống Mỹ

 * Biểu tình của đảng cực hữu PEGIDA chống di dân vào Đức * 

Tuần qua, khi thăm viếng Anh quốc, Tổng thống Barack Obama đã có lời phát biểu gây phán ứng tại Anh quốc và ở tại Hoa Kỳ.

Khi tiếp xúc với báo chí bên Thủ tướng Anh là David Cameron, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Liên hiệp Âu châu, một sáng kiến mang tính chất chiến lược của 70 năm qua, và vì quyền lợi của chính nước Anh ông kêu gọi dân Anh là đừng ra khỏi Liên Âu. Vì ngày 23 tháng tới Anh quốc sẽ trưng cầu dân ý để quyết định xem có còn muốn ở trong Liên Âu hay không, việc một Tổng thống Hoa Kỳ lên tiếng về sự chọn lựa của một nước khác lập tức bị phe chống Âu Châu ở tại Anh đả kích. Lãnh đạo phe chủ trương ra đi, gọi là Brexit, Đô trưởng London là Boris Johnson nặng lời mạt sát ông Obama là có máu Kenya mà đòi xen lấn vào nội bộ nước Anh! Phi phàm!

Ở nhà, nhiều bình luận gia thuộc khuynh hướng bảo thủ cũng chẳng lỡ dịp đả kích Obama là không sờ vào gáy. Năm ngoái, Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu chính thức đọc diễn văn trước Lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ và kêu gọi dân Mỹ đừng chấp nhận kế hoạch giải tỏa Iran do Obama đề nghị với Quốc hội. Khi ấy, Tổng thống Mỹ từ chối không gặp Thủ tướng Israel, lại còn cho là ông Netanyahu xen lấn vào nội tình Hoa Kỳ, dù rằng Israel mới bị nguy khốn nếu Iran không tôn trọng cam kết mà tiếp tục kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm.

Chuyện lời qua tiếng lại đó lại khỏa lấp nhiều sự thật còn đáng ngại hơn nên Hồ Sơ Người-Việt phải trình bày lại bối cảnh của vấn đề…

Thống Nhất Âu Châu Là Sáng Kiến Hoa Kỳ

Sau hai Thế chiến (1914-1918 rồi 1939-1945), các nước Âu Châu đều thấy ra nhu cầu hợp tác với nhau để xây dựng một nền móng thịnh vượng và hòa bình hầu khỏi tái diễn chiến tranh.

Khi ấy, tư tưởng thống nhất Âu Châu theo từng bước kinh tế, quan thuế và chính trị, được nhiều người đề xướng và tiến hành, như Paul-Henri Spaak của Bỉ, Robert Schuman và Jean Monnet của Pháp. Nhưng thật ra, tung tiền tài trợ việc tái thiết và hội nhập Âu Châu vào một mối lại là nỗ lực của Hoa Kỳ, với kế hoạch viện trợ Marshall, mang tên của một Ngoại trưởng Mỹ là Tướng Georges Marshall. Tính theo hiện giá, kế hoạch tốn mất 13 tỷ đô la vào thời đó ngày nay đáng giá 130 tỷ, mà chỉ là phần tài chánh nhằm tái thiết Âu Châu. Phần chính trị là Mỹ khuyến khích các nước Âu Châu hội nhập cơ chế kinh tế để có nền tảng hợp tác hài hòa hơn.

Như thông lệ, quốc gia gai góc nhất Âu Châu với lãnh tụ ái quốc và cứng đầu nhất là nước Pháp dưới thời Charles de Gaulle thì triệt để chống lại trào lưu đó. Bị nước Đức đánh bại ba lần (1870, 1914 và 1939) chẳng lẽ Pháp lại hợp tác với Đức để xây dựng một Âu Châu thống nhất? Như thông lệ, quốc gia cáo già nhất Âu Châu là nước Anh cũng kín đáo gạt kế hoạch này sang một bên. Anh quốc là đồng minh chí thiết và chiến lược nhất của Hoa Kỳ, nay lại đứng đồng hạng cùng các nước Âu Châu, nhất là nước Pháp (!) thì còn thể thống gì?

Sau cùng, con kỳ đà de Gaulle đã đổi ý, chẳng vì lý do kinh tế mà vì đại thế chính trị.

Khu vực miền Đông của Âu Châu đã bị Liên bang Xô viết chiếm đóng; rất xa từ miền Tây ở bên kia Đại Tây Dương thì Hoa Kỳ tung tiền yểm trợ; ở giữa, Âu Châu thấp cổ bé miệng sẽ chẳng có thế lực gì nếu không có tiếng nói thống nhất. Tiếng nói ấy sẽ do Pháp đảm nhiệm sau khi hòa giải với nước Đức còn bị chia đôi. Vì vậy, việc hợp tác kinh tế với nước Đức thất trận, yếu thế và có tội, là điều có lợi cho thế lực chính trị của Pháp ở giữa hai khối Đông-Tây trong thời Chiến tranh lạnh. Huống chi, một đối thủ già mồm và gian hùng là nước Anh lại nằm ngoài hệ thống hợp tác ấy.

Đấy là cách người hùng de Gaulle phục hồi danh dự và uy thế cho nước Pháp.

Việc Liên Xô uy hiếp Berlin và Hoa Kỳ mở chiến lược be bờ ngăn cộng của Chính quyền Harry Truman và thành lập Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO càng củng cố nỗ lực hội nhập đó. Với Hoa Kỳ, khu vực Tây Âu tự do và trù phú là giải pháp chống cộng tốt đẹp nhất. Trong khu vực đó, nước Đức hung hăng ngày xưa - đã hai lần chạm súng với Hoa Kỳ - thì bị các nước Âu Châu kia kiềm chế. Mà nếu xung đột Đông-Tây bùng nổ thì lãnh thổ Đức, chứ không phải đất Mỹ, sẽ là chiến trường nóng. Hoa Kỳ cần một nước Đức mạnh về kinh tế nhưng bị trói buộc về chính trị cho nên cùng kế hoạch Marshall, việc thống nhất Âu Châu nằm trong toan tính của Hoa Kỳ. Hình như 70 năm sau người ta đã quên chuyện đó.

Mà quên cũng phải vì ngày nay sự thể đã đổi khác. 

Âu Châu Phân Hóa – Hoa Kỳ Bó Tay

Ngày nay, nỗ lực hội nhập Âu Châu vào một khối thống nhất theo những tính toán của Hoa Kỳ đã đi tới tận cùng, và đang bị phân hóa.

Vụ khủng hoảng của khối Euro và viễn ảnh Hy Lạp ra khỏi hệ thống tiền tệ thống nhất (Grexit) chỉ là một mảng của đà tan rã. Bên trong Âu Châu, lý tưởng tự do cư trú và vận chuyển của Hiệp ước Schengen cũng bị thực tế xé nát. Từng quốc gia đang dựng lại trạm canh và cả chiến hào để ngăn làn sóng di dân từ Trung Đông tràn lên, bên trong có nguy cơ khủng bố.

Từ miền Đông, Liên bang Nga đã thâu tóm một phần của Georgia và chiếm đóng bán đảo Crimea để uy hiếp các nước Đông Âu và Trung Âu. Còn Hoa Kỳ thì chưa rút chân khỏi Trung Đông, và không thể khuyên Âu Châu là nên làm thế này hay thế khác. Chính quyền Obama đã mắc lỡm Âu Châu mà can thiệp vào cuộc nội chiến tại Libya, nay chưa thể giải quyết vụ khủng hoảng tại Syria, vẫn còn phải canh chừng lực lượng khủng bố xưng danh Nhà nước Hồi giáo ISIS, còn binh lính Mỹ chưa thể tháo chạy khỏi Iraq và Afghanistan. Trong khi biển Đông réo gọi từ bên kia Thái Bình Dương vì động thái hung đồ của Trung Cộng.

Ở giữa cõi Âu Châu ngơ ngác ấy, cường quốc kinh tế số một là nước Đức đã thống nhất sẽ phải làm gì và muốn làm gì?

Bên cạnh những toan tính của một nước Nga kiệt quệ về kinh tế nhưng vẫn có kho võ khí chiến lược đáng ngại nhất, những tính toán của nước Đức giàu mạnh mà vẫn muốn có quan hệ hữu hảo với Nga vì mục tiêu kinh tế là điều gì đó mà Hoa Kỳ phải quan tâm. Làm sao kiềm chế nước Đức trong một khối Âu Châu có đầy những ràng buộc khó gỡ? Giải pháp lý tưởng nhất – cho Hoa Kỳ - vẫn là một Âu Châu thống nhất.

Vì vậy, Tổng thống Obama không ngại lời đả kích mà nhảy vào cuộc tranh luận của dân chúng Anh quốc.

Nhưng Âu Châu thống nhất là giải pháp lý tưởng mà chưa chắc đã là thực tế. Thực tế thì Hoa Kỳ sẽ bó tay nếu Âu Châu tiếp tục đà phân hóa này. Kiến trúc do Hoa Kỳ xây dựng từ 70 năm trước đang nghiêng đổ mà nước Mỹ không thể chống đỡ nổi. Nối tiếp sẽ là sự rạn nứt của Minh ước NATO.

Minh ước quân sự này được xây dựng trên niềm tin của các nước Âu Châu với nhau - và của Âu Châu với Hoa Kỳ - trong tình liên đới là liên thủ để phòng vệ. Nhưng Âu Châu với 500 triệu dân và sản lượng kinh tế ngang bằng Hoa Kỳ lại thoái thác trách nhiệm quân sự với NATO: đóng góp rất ít mà chỉ trông chờ vào Hoa Kỳ (xin quý độc giả đọc lại Hồ sơ Người-Việt ngày 13 Tháng Tư: NATO – Liên Âu và Hoa Kỳ - Hình Như Là Donald Trump Có Lý!).

Bên trong, các nước Âu Châu cũng hết tình liên đới với nhau vì mối nguy khủng bố và nạn di dân đang gõ cửa ngoài biên giới. Từng nước phải cân nhắc riêng về quyền lợi và tinh thần văn hóa hợp quần hay hội nhập. Các khuynh hướng ly khai hay chống Âu Châu nổi lên và tăng đà tan rã. Khi ấy, Minh ước có còn khả năng hay ý nghĩa gì không?

Nếu tấm khiên NATO cũng bị Âu Châu xé làm bốn mảnh, ai hay cái gì sẽ kiềm chế được nước Đức, hoặc ngăn ngừa một liên minh Nga-Đức ở giữa Âu Châu? Nước Anh hay nước Pháp? Hai cường quốc này có bao giờ tin nhau chưa? Đâm ra trách nhiệm lại rơi vào Hoa Kỳ. Thế giới và nước Mỹ đang gặp kịch bản của một cơn ác mộng.

Với thiện chí cứu vãn tinh thần hội nhập Âu Châu theo lý tưởng bao dung, Thủ tướng Angela Merkel của Đức đã lấy nhiều rủi ro chính trị cho mình và cho liên minh cầm quyền mà kêu gọi đón nhận di dân từ Trung Đông. Nếu bà thất bại thì đấy là thất bại của của cả khối Liên Âu chứ không thể trách cứ nước Đức của bà. Nhưng thất bại ấy là thắng lợi của Liên bang Nga vì Tổng thống Vladimir Putin có cơ hội bẻ đũa từng chiếc, uy hiếp nước này và mua chuộc nước kia.

Trong hoàn cảnh ấy, viễn ảnh hợp tác Nga Đức không là điều huyễn hoặc và đẩy Hoa Kỳ vào những chọn lựa xa xưa. Lại can thiệp vào Âu Châu và ôm lấy gánh nặng NATO do các nước Âu Châu trút lên đôi vai của mình? Hay là ngảnh mặt làm ngơ để rồi cuối cùng vẫn phải nhập cuộc?

---

Kết luận ở đây là gì?

Tổng thống Obama muốn có tiếng nói của mình về tương lai Âu Châu, nhưng tiếng nói ấy không có ảnh hưởng thực tế. Để so sánh, hãy nhớ rằng cử tri Mỹ không để ý tới lời phát biểu của các lãnh tụ Âu Châu về sự chọn lựa của nguồi Mỹ trong cuộc tranh cử Tổng thống hiện nay. Nếu có thì họ coi đó là việc Âu Châu bạc nhược mà đòi dạy khôn nước Mỹ!

Kinh hãi hơn, trật tự kinh tế và chiến lược do Hoa Kỳ xây dựng từ 70 năm xưa đang chậm rãi sụp đổ trước mắt chúng ta. Và sụp lên đôi vai của người sẽ là Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.

Thứ Ba, tháng 4 26, 2016

Đô La Vàng Vọt?



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 160425
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Từ 30 Tháng Tư Mà Nhìn Lại, Rồi Nhìn Đi….

* Lãi suất âm - đường vào âm phủ? *


Ngày xưa, chúng ta có thể ở giữa mắt bão mà không biết vì kiến thức của giới hướng dẫn dư luận bị giới hạn – mà có lẽ chính họ cũng không biết. Ngày nay sự thể đã khác, và đây là một sự tiến bộ, chúng ta cảm nhận được những giông bão vần vũ chung quanh và dư luận được đây đó giải thích về các nguyên nhân của vấn đề. Tại Hoa Kỳ, cuộc tranh cử tổng thống năm nay là nơi có nhiều giải thích nhất, với các ứng cử viên đang đua nhau đề nghị giải pháp…

Vì vậy, chúng ta cố “nhìn từ bên ngoài” để phần nào hiểu ra những xoay vần trong mắt bão là Hoa Kỳ. Bài này sẽ khởi đi từ giác độ kinh tế, trong một viễn ảnh trường kỳ là 70 năm, may ra thỉ hiểu được kết quả của cuộc tranh cử và những gì sẽ xảy ra sau đó…. Nhân tiện thì cũng liếc về Chuyện Tháng Tư của mình.

*

Mọi sự khởi đầu vào cuối Thế chiến II, khi Hoa Kỳ là siêu cường độc bá vì ít bị chiến tranh tàn phá và còn tiềm lực kinh tế mạnh nhất. Mục tiêu khi ấy của nước Mỹ là xây dựng lại một trật tự khác với các đồng minh có thể là đối thủ cũ như Đức và Nhật và với các đồng minh cố hữu là các nước Âu Châu đã phần nào công nghiệp hóa và phải tái thiết sau chiến tranh.

Trong bối cảnh ấy, Hoa Kỳ (với Anh quốc như đồng minh chiến lược) thành lập hệ thống tài chánh quốc tế gọi là Bretton Woods – địa danh của một hội nghị quốc tế năm 1944 tại tiểu bang New Hampshire - theo nguyên tắc là từ nay người dân sẽ không thể đổi đồng bạc của họ ra vàng vì đấy là chức năng của các chính quyền và việc giao hoán (đổi chác) ấy tiến hành qua đồng tiền của Hoa Kỳ, là đồng Mỹ kim. Vì vậy, các nước cần tái thiết và nợ ngập đầu vì chiến tranh như Âu Châu hay Nhật Bản phải ráo riết thủ đắc và tồn trữ đồng ngoại tệ quý báu này.

Kiến trúc tài chánh ấy dựa trên niềm tin rằng Chính quyền Mỹ tôn trọng cam kết là sẽ đổi lại Mỹ kim ra vàng theo tỷ giá 35 đô la được một “troy ounce” (khoảng 31 gram). Muốn vậy, nền kinh tế của nhà cái, hay nhà tài trợ, hay quốc gia viện trợ là Hoa Kỳ, phải có năng suất cao. Niềm tin đó thật ra là một trách nhiệm - sẽ có ngày nói sau - mà cũng là lực đẩy cho kinh tế Hoa Kỳ phát triển và bành trướng trong thời Chiến tranh lạnh.

Cứng đầu nhất và “chống Mỹ” nhất vào giai đoạn ấy là nước Pháp của lãnh tụ Charles de Gaulle, với vai trò của kinh tế gia Jacques Rueff, đã trước tiên nói tới “lợi thế quá đáng” của Hoa Kỳ và “hỏi giấy” niềm xác tín ấy, bằng cách xả bớt đồng Mỹ kim trong dự trữ ngoại tệ của Pháp, để đòi lấy vàng.

Chìm đắm trong khói lửa chiến tranh và nhức tim với cuộc “Hòa đàm” tại Paris - trời ơi, vì sao Lyndon Johnson lại chọn nơi đó! - chúng ta không để ý tới biến động có tính chất chiến lược này vì nhiều quốc gia khác cũng đòi như Pháp. Và Chính quyền Richard Nixon không thể tiếp tục cung cấp cả áo cơm lẫn súng đạn mà Chính quyền Johnson hứa hẹn trước đó nên buông tay thả nổi đồng bạc từ ngày 15 Tháng Tám 1971. Hoa Kỳ không thể tôn trọng cam kết trong hệ thống Bretton Woods. Nôm na là trên sòng bạc quốc tế, nhà cái quịt nợ khi các nhà con nộp tiền nhựa để đòi lấy vàng.

Hệ thống Bretton Woods sụp đổ mà tại Sàigòn chúng ta ít biết. Và từ đấy, vàng tăng giá lên trời trong các biến động tài chánh lan rộng kể từ năm 1972 trở đi.

Nhưng ngoài đồng Mỹ kim bị thiên hạ hỏi giấy và hỏi tuổi như hỏi tuổi vàng, trên canh bạc toàn cầu, thế giới lại có thêm một loại tài sản khác để đổi chác. Đấy là dầu thô, lần đầu tiên được các nước sản xuất và xuất cảng sử dụng như một võ khí trong một trận chiến không tiếng nổ. Hiệp định Paris dần dần thành hình vào khung cảnh ấy mà chúng ta chưa biết và nhiều người còn tin rằng Mỹ không bỏ Việt Nam.

Nhưng siêu cường Hoa Kỳ thiên biến vạn hóa đã biết xoay. Võ khí dầu thô được thanh toán hay đổi chác bằng gì? Bằng đồng Mỹ kim. Khi ấy, “lợi thế quá đáng” của nước Mỹ đã tái sinh với “Petrodollars”. Gọi là gì? Là tiền dầu?

Lãnh đạo khối Á Rập Hồi giáo có dầu là Saudi Arabia đã bán dầu thu lại Mỹ kim dưới dạng Công phố phiếu Mỹ để tài trợ các nước bán dầu. Đổi lại, Hoa Kỳ viện trợ cho các nước Á Rập thân hữu trong vùng Vịnh Á Rập đủ loại chiến cụ và Âu Châu khi ấy chấp thuận sự đổi chác này vì mối nguy quá lớn của Liên bang Xô viết: chủ nợ là Hoa Kỳ cũng là tay trưởng tràng bảo vệ Âu Châu. 

Vả lại, nếu chỉ dùng vàng làm vật giao hoán thì đào đâu ra vàng cho kịp nhu cầu phát triển kinh tế?

Những câu hỏi trừu tượng ấy vượt ra khỏi sự quan tâm của chúng ta khi Hiệp định Paris, ký kết đầu năm 1973, hoàn tất nhiệm vụ của nó, là cột tay miền Nam và trao trọn gói cho miền Bắc vào Tháng Tư 1975. Bây giờ thì mình tìm hiểu tiếp về Hoa Kỳ, vẫn nhìn từ bên ngoài (!).


*

Không bị kẹt vì lượng vàng có hạn, lại được lợi nhờ Petrodollars, khi Liên Xô bắt đầu suy bại từ những năm 1982 trở về sau, Hoa Kỳ vẫn thừa thắng xông lên với lực đẩy là tờ giấy nợ.

Theo định nghĩa, đồng Mỹ kim là tờ giấy nợ do Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ phát hành. Thủ đô của nước Mỹ là viện phát hành toàn cầu, với đồng Mỹ kim vẫn giữ vai trò dự trữ ngoại tệ của các nước. Hoa Kỳ in bạc mua về đủ loại hàng hóa và dịch vụ của thiên hạ với giá rẻ và người dân nâng cao mức sống nhờ quy cách ấy. Khi Liên Xô tan rã, có học giả Mỹ ngợi ca kinh tế thị trường và dân chủ chính trị đã đại thắng các chủ nghĩa phát xít và cộng sản. Trong niềm lạc quan ấy, các nước vui vẻ nhận giấy nợ của Mỹ, chất đống, để phần nào thực hiện giấc mơ thịnh vượng của dân Mỹ. Việt Nam Cộng sản khi ấy cũng đã tất yếu bị khủng hoảng và tỉnh giấc mê sảng mà tiến hành đổi mới, rồi xài tiền Mỹ đế để xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Khi đã giàu rồi thì mọi người đều sẽ thanh toán khoản nợ này. Rồi thế giới sẽ quân bình trở lại.

Những người tò mò, khi đó còn ít lắm vì quy luật “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, thì có thể xét lại xem tại sao nước Mỹ giàu mạnh như vậy? Mạnh đến độ đánh bại Liên Xô và sau chục năm giàu có vì được hưởng “cổ tức hòa bình” nhờ giảm chi ngân sách quốc phòng khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Hoa Kỳ lại có thể tăng chi quốc phòng sau vụ khủng bố 9-11 vào năm 2001 cho tới 2011 mới giảm. Nếu tò mò tìm hiểu thì người ta có thể thấy ra mặt trái của sức mạnh đó, là đi vay để mua nhà và mua súng.

Kiến trúc tài chánh ấy có những bất ổn ghê người và tích lũy trong cả chục năm trước khi sụp đổ vào năm 2008 với nạn Tổng suy trầm 2008-2009. Đấy là điểm lật, tương tự như 1971 hay 1989.

Ngày nay, tám năm sau, nước Mỹ chưa ra khỏi chu kỳ thanh toán ấy mà lại sáng tạo nữa. Sau khi hai Chính quyền George W. Bush và Barack Obama ráo riết tăng chi – ngân sách bị bội chi thì lại đi vay - để kích thích kinh tế theo lối cổ điển mà chẳng công hiệu, Ngân hàng Trung ương phải nhập cuộc. Giải pháp cổ điển là hạ lãi suất tới sàn cũng không công hiệu thì định chế này bèn áp dụng giải pháp cực bất thường là tăng mức lưu hoạt có định lượng (quantitative easing hay QE). Nôm na vẫn là bán giấy nợ lấy tiền bơm vào kinh tế. Vậy mà kinh tế Hoa Kỳ và cả thế giới vẫn chưa hồi phục và cuối năm 2013 còn bị suy trầm nhẹ khi Ngân hàng Trung ương Mỹ thông báo sẽ chấm dứt biện pháp QE để trở về trạng thái bình thường.

Từ đó, thế giới đã qua nhiều cuộc khủng hoảng cục bộ, như trong khối Euro tại Âu Châu hay nạn dầu thô tuột giá trong các khu vực bán dầu, hay sự phân hóa của hệ thống tài chánh Âu Châu khi nhiều nước hết giao dịch bằng đồng Euro và các Ngân hàng Trung ương Âu Châu rồi Nhật Bản đều đi quá đoạn đường QE mà hạ lãi suất xuống số âm. Sau khi cố tăng lãi suất được 25 điểm căn bản (0,25%) vào cuối năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã tạm ngưng việc tống ga nhấn tới mà còn cho biết giải pháp hạ lãi suất dưới số không cũng là một kịch bản….

Chúng ta đang ở giữa mắt báo vì sau những lạc quan trước vụ Tổng suy trầm 2008, Hoa Kỳ dẫn đầu các nước vào một canh bạc khác với niềm lạc quan mới là các giải pháp bất thường sẽ công hiệu. Từ năm 2009 đến nay, chưa ai thấy ra sự công hiệu ấy, trong khi thế giới lại chất lên một núi nợ sẽ đổ. Trung Cộng và Việt Nam cũng chẳng ra khỏi tình trạng đó. Trong cảnh ngộ bất trắc này, đồng Mỹ kim vẫn giữ vai trò then chốt, tăng giá mạnh từ năm 2014 và gieo nhiều chấn động theo từng nhịp độ thăng trầm. 

Hình như là chúng ta đã từ hệ thống Bretton Woods trải qua bốn đời Bretton Woods khác và mỗi kiến trúc mới lại tích lũy thêm một mầm bất ổn trên một nền móng lung lay. Nếu kiến trúc này sụp đổ thì Hoa Kỳ có còn khả năng sáng tạo như năm lần đã qua hay chăng? Nhìn từ bên ngoài, người viết này e ngại vì thấy các ứng cử viên trong cuộc tranh cử tổng thống năm nay mới chỉ nói chuyện ngoài da – để bán cao đơn hoàn tán.