Thứ Bảy, tháng 10 29, 2016

Tập Khang-Càn và Trung Tâm Hư Vô



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo ngày 161027


Giấc mơ của Tập Cận Bình là hào quang Khang-Càn, hiện thực là ác mộng Gia Khánh  


* Tập Cận Bình - Siêu nhân diệt tham nhũng * 



Hội nghị Kỳ sáu thuộc Khóa 18 của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc vừa hoàn tất tại Bắc Kinh hôm Thứ Năm 27 với một từ mới: “Tập Quyền Tâm”. Từ nay, Đồng chí Chủ tịch Tập Cận Bình là lãnh tụ của quyền lực trung tâm, nhân vật có thể sánh ngang tầm hai “tối cao lãnh đạo nhân” của đảng là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Như trung tâm của một bánh xe có nhiều nan hoa tỏa ra ngoài, họ Tập giữ vị trí cốt lõi. Thế giới dịch theo Anh ngữ là “Core Leader”…

Nhìn từ bên ngoài, tức là phiến diện, thì Tháng 10 là tháng được mùa cho Trung Quốc.

Ngày đầu tháng, đồng Nguyên được chính thức đưa vào rổ ngoại tệ của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMG, gọi là “Quyền Đặc Trích SDR” ngang tầm bốn ngoại tệ thế giá có sẵn là Mỹ kim, đồng Euro, Anh kim và đồng Yen của Nhật. Biến cố ấy đánh dấu uy tín tượng trưng của Trung Quốc, là điều lãnh đạo Bắc Kinh rất cần cho thần dân ở nhà. Ngày chín Tháng 10, Trung Quốc xuất hiện tại Syria và Iraq, đứng ngang tầm Liên bang Nga khi Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Kinh tuyên bố là hai nước sẽ cùng sát cánh với nhau để giải quyết vấn đề của hai quốc gia Trung Đông này. Hàm ý bên trong: Hoa Kỳ hết tự tung tự tác!

Mười ngày sau, hôm 19, chỉ mới e ngại trận lôi đình của Bắc Kinh về việc đức Đạt Lai Lat Ma thăm viếng Cộng hòa Tiệp, Văn phòng Tổng thống Tiệp ra thông cáo xác nhận “chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc”. Hôm sau, ngày 20, Bắc Kinh tưng bừng đón tiếp Tổng thống Rodrigo Duterte của Phi Luật Tân, hứa hẹn nâng cấp hợp tác giữa hai nước và tạo cơ hội cho ông Duterte ồn ào đả kích Hoa Kỳ khiến các nước trong vùng càng hoài nghi chánh sách “chuyển trục” của Tổng thống Barack Obama do cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố từ năm 2011! 

Cũng hôm 27, khi Hội nghị Trung ương kỳ sáu hoàn tất, Trung Quốc tuyên bố chấm dứt một tuần thao dượt chống khủng bố với quân đội của Cộng hòa Tajikistan tại biên giới Tajik với Afghanistan. Cùng ngày đó, Quân đội Giải phóng của Trung Quốc cũng kết thúc một cuộc thao dượt chống khủng bố với Vương quốc Saudi Arabia!

Tháng 10 là tháng tỏa sáng của thế lực ngoại giao Bắc Kinh, sau nhiều năm bành trướng ra ngoài và đến tận chốn thâm sơn cùng cốc là Phi Châu, nơi Trung Quốc là bạn hàng số một, tiếp nhận đến 12% lượng xuất cảng của lục địa và đầu tư nhiều nhất vào mấy chục nước giàu tài nguyên của lục địa đen. Đánh dấu chiến lược chuyển trục thật của Bắc Kinh là việc Trung Quốc xây dựng quân cảng cho xứ Djibouti để sẽ đồn trú “vài ngàn quân” tại đây.

Điểm qua một vòng như vậy, những người lơ đãng nhất cũng thấy ra “Thế lực Ngoại giao của Bắc Kinh” – là một hiện tượng khá mới lạ.

Nổi bật nhất và nhức nhối nhất cho người Việt là chuyện Đông Á.

Tại Đông Bắc Á, Trung Quốc tạo ra nhiều giải trình trường xuyên về quan hệ với Nhật Bản và Nam Hàn và về quan hệ của hai nước này với nhau. Tại đây, thái độ khật khùng mà tinh ma của Chính quyền Bắc Hàn với các cuộc thử nhiệm võ khí hạch tâm khiến dư luận lại nhìn vào Bắc Kinh. Liệu Bắc Kinh có muốn và có thể cùm mồm con chó điên này được chăng? Tại Đông Nam Á, Bắc Kinh không hề lúng túng về phán quyết của Tòa án Thường trực Quốc tế mà còn cho Hà Nội vào túi, trong khi đưa người hùng Duterte lên võ đài chửi Mỹ và còn khiến Chính quyền Malaysia vừa quyết định mua chiến hạm của Trung Quốc.

Nhìn trên bề mặt, bất chấp rất nhiều khó khăn kinh tế xã hội trong nội bộ, Tập Cận Bình và lãnh đạo Bắc Kinh đã lặng lẽ… đổi mới đảng Cộng sản. Nếu đảng không đem lại áo cơm và phúc lợi cho mọi người dân như đã hứa hẹn thì đảng lại giương cờ ái quốc để rửa cái nhục mấy trăm năm trong lịch sử.

Đã hết rồi, cái thời của “Quốc tế ca”. Cũng hết rồi, cái thời mà Bắc Kinh chủ trương không xen lấn nội bộ xứ khác. Ngày nay, đảng là Chủ nghĩa Ái quốc của Hán tộc - và đang đẩy lui ảnh hưởng của Hoa Kỳ, từ Đông Á qua nhiều vùng khác.

Đấy là bối cảnh của việc Ban Chấp hành Trung ương long trọng tuyên bố nâng cao khả năng của đảng, với các đảng viên “nhất trí ủng hộ Đồng chí Tập Cận Bình ở vị trí cốt lõi”. Báo chí của đảng giải thêm cho rõ: “Với một quốc gia và một chính đảng, vị trí quyền tâm có tầm quan trọng sinh tử”….

Từ Hội nghị kỳ sáu này, chúng ta còn khoảng một năm để thấy ra chiều hướng củng cố quyền lực của Tập Cận Bình cho tới Đại hội đảng của Khóa 19. Ông sẽ loại bỏ những ai trong năm người đang là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và sẽ đưa những ai vào vị trí lãnh đạo trong năm năm sau đó, để là thế hệ lãnh đạo thứ sáu sau các thế hệ Mao, Đặng, Giang, Hồ, Tập? Ông có thể còn tiến xa hơn vậy và sửa lại đảng quy để tiếp tục lãnh đạo sau hai nhiệm kỳ 2012-2017 và 2017-2022. Nhưng để làm gì?

Chúng ta phải trở lại lịch sử Trung Quốc.

Giới lãnh đạo Bắc Kinh thời nay không thể quên trăm năm ô nhục của xứ sở kể từ giữa Thế kỷ 19 khi nội loạn rồi ngoại xâm khiến Trung Quốc bị coi là con bệnh của Đông Á. Tình trạng lầm than đó kéo dài gần trăm năm, cho tới khi Mao Trạch Đông thống nhất đất nước dưới lá cờ Cộng sản vào năm 1949, sau rất nhiều gian nan và thất bại. Gian nan hơn cả là 30 năm khủng hoảng dưới thời Mao cho tới 1979 mới chớm nở hy vọng phục hưng nhờ Đặng Tiểu Bình. Ngày nay, giấc mơ của Tập Cận Bình, hay “Trung Quốc Mộng”, là kỷ niệm trăm năm lãnh đạo của đảng – 1949-2049 – với Trung Quốc lại trở thành cường quốc trung tâm của thế giới như trong lịch sử.

Vẫn lại chuyện “trung tâm”!

Tập Cận Bình là người có ý thức về lịch sử khi nuôi nấng giấc mộng đó – mộng và thực chỉ là hai mặt của cùng một khái niệm quyền lực. Làm sao để người dân theo đuổi giấc mơ do chính mình vẽ ra với muôn màu ảo diệu? Then chốt là nghệ thuật vẽ vời. Điều ấy mới giải thích chiến dịch đả hổ đập ruồi để diệt trừ tham nhũng và thanh trừng chính trị dưới lá cờ thanh lọc hàng ngũ đảng viên.

Vì địa dư bát ngát và tổ chức phức tạp của hệ thống công quyền, mọi thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc đều gặp bài toán này. Nó có biểu hiện là tham nhũng, nhưng thực chất là phân chia quyền lợi, quyền và lợi, chính trị và kinh tế.

Trong lịch sử, Trung Quốc từng có thời kỳ vàng son từ năm 1684 tới 1799, dưới ba triều Hoàng đế là Khang Hy, Ung Chính và Càn Long, người ta gọi đó là “Kỷ nguyên Khang-Càn”, kéo dài được 115 năm. Đến đời Gia Khánh từ năm 1799 thì hệ thống quyền lực của trung ương bắt đầu suy yếu và kho lẫm hao hụt vì nạn chia chác quyền lợi, với quan đại thần Hòa Khôn (Hòa Thân) của tiên đế Càn Long là đại gia có quá nhiều phương tiện lũng đoạn. Người ta đồn rằng tài sản của Hòa Khôn trị giá gấp năm công khố của triều đình, có nơi khác thì cho rằng quốc khố phải mất 15 năm thì mới trưng thu được một khối tài sản vĩ đại như vậy.

Do đó, Gia Khánh phải tiến hành cải cách hành chánh, thuế khóa và quân sự với quyết định đầu tiên là triệt hạ thế lực của Hòa Khôn cùng vây cánh ngay sau khi Càn Long tạ thế vào năm 1799. 

Nhưng vấn đề không chỉ có Hòa Khôn.

Vấn đề là mạng lưới cấu kết của hệ thống quan lại và cả tướng lãnh cứ lặng lẽ cưỡng chống mọi quyết định của triều đình trung ương. Việc cải cách khó thành mà nạn đục khoét của các quan và lãnh chúa khiến thần dân ở dưới bất mãn. Khi tuyệt vọng thì họ nổi loạn. Các vụ khởi nghĩa của dân đen, có khi nhuốm mùi tôn giáo như phong trào Bạch Liên Giáo và Thái Bình Thiên Quốc sau này, đưa Trung Quốc vào nội loạn.

Trong 22 năm cai trị của Gia Khánh, việc cải cách tập trung vào chiến dịch diệt trừ tham nhũng và giữ gìn ổn định nhưng không đề ra phương án xây dựng quyền lực tỏa rộng từ trung ương tới các địa phương và nhất là tìm ra một đối sách hợp lý với thế giới bên ngoài, khi các cường quốc Âu Châu đã quay trở lại với những phương tiện hiện đại hơn. Hậu quả bất lường là Trung Quốc dưới thời Gia Khánh lại đóng cửa với bên ngoài, và kinh tế càng thêm kiệt quệ, dân tình càng đói khổ, loạn lạc nổi lên khắp nơi.

Sự suy sụp của Đế quốc Trung Hoa dưới nhà Đại Thanh khởi đi từ đó nên mới bị các cường quốc khuất phục sau này.

Khi nhà Thanh sụp đổ vào năm 1911, Hán tộc giành được chủ quyền trên danh nghĩa mà vẫn chưa giải quyết được bài toán cai trị đã nổi bật từ thời Gia Khánh 1799. Các quốc gia khác, trước tiên là Tây phương, cũng mất nhiều thế kỷ và chiến tranh cùng cách mạng để tìm ra giải pháp dân chủ và áp dụng thể chế liên bang cho các nước quá rộng hay có quá nhiều dị biệt

So với thời Gia Khánh, đảng Cộng sản Trung Hoa lên nắm quyền cũng đã có lúc quay lưng với thế giới bên ngoài rồi cải cách để mở cửa thị trường với thành tích ngoại giao như chúng ta vừa thấy. Nhưng việc tổ chức chế độ chính trị và hệ thống công quyền thì vẫn chưa có giải pháp.

Tập Cận Bình không thể quên điều ấy và nuôi giấc mộng Khang-Càn khi Trung Quốc được các nước kinh nể. Thật ra, ông rơi vào cái bẫy của Gia Khánh và chiến dịch diệt trừ tham nhũng chỉ là bề mặt của việc tập trung lại quyền lực. Ông đã nắm lấy cốt lõi, là tâm điểm giữa các nan hoa của một bánh xe.

Nhưng, vật lý học thì bảo rằng tâm điểm của nan hoa phải là khoảng trống hư vô, chẳng khác gì khái niệm “vô vi” trong chính trị!

Y như tự ái kiêu hùng của Hán tộc đang được vuốt ve, thế lực của họ Tập chỉ có sức mạnh hình thức. Chẳng cường quốc nào đời nay lại muốn xâm lăng hoặc chiếm đóng Trung Quốc, trong khi bài toán thật của ông vẫn là nội tình rối loạn, là sự cưỡng chống của đảng viên địa phương, các đại gia của hệ thống kinh tế nhà nước và tình trạng môi sinh bị hủy hoại không thuốc chữa, trong khi nợ nần tiếp tục chất cao như núi….

Người dân có thể nhớ đến chuyện Khang-Càn, họ Tập đang ôn lại bài học Gia Khánh khi nằm giữa các nan hoa đang quay như chong chóng! 


Thứ Năm, tháng 10 27, 2016

Ảo Tưởng của khối BRICS

Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 161026
Diễn đàn Kinh tế


Hàng tầm tầm mà có tầm nhắm quá cao! 

Thượng đỉnh thứ tám của khối BRICS tại Ấn Độ hôm 16/10/2016.
* Thượng đỉnh thứ tám của khối BRICS tại Ấn Độ hôm 16/10/2016. AFP * 



Tuần qua, Thượng đỉnh thứ tám của khối BRICS đã hoàn tất tại Ấn Độ mà không có đột phá. Năm quốc gia với nền kinh tế đang phát triển là Brazil, Liên bang Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, với tên gọi được viết tắt là BRICS, có tham vọng tăng cường hợp tác và lập ra một trật tự kinh tế mới. Nhưng thực tế kinh tế và an ninh lại gây ra nhiều trở ngại bất ngờ.

 

Thượng đỉnh BRICS lần tám gây thất vọng?


Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, sau hai ngày làm việc tại khu nghỉ mát thuộc tỉnh Goa của Ấn Độ, hội nghị của lãnh đạo năm nước có tên gọi tắt là BRICS đã kết thúc hôm 16 vừa qua mà không có gì nổi bật trong bản thông cáo chung. Có một thời mà năm quốc gia này từng hy vọng là đầu máy kinh tế của thế giới và là cường quốc có ảnh hưởng với các nền kinh tế đang lên. Thế thì vì sao thượng đỉnh lần thứ tám vừa qua của nhóm BRICS lại gây thất vọng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ngày xưa, tôi chơi chữ theo Pháp ngữ mà gọi khối kinh tế này là “bric-à-brac” là đồ tầm tầm. Tuần qua có người cũng chơi chữ theo Anh ngữ, với từ ‘brics’ là gạch, mà thiếu xi măng! Năm quốc gia này muốn thành lập một khối kinh tế liên kết mà thật ra thiếu chất keo sơn hợp tác. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu tại sao việc năm nước có dân số bằng phân nửa của địa cầu, với sản lượng tổng cộng chừng 17 ngàn tỷ đô la, bằng 30% sản lượng toàn cầu, lại khó trở thành một khối.

Nguyên Lam: Trước hết, xin đề nghị ông trình bày lại bối cảnh của sự hình thành nhóm quốc gia có tên tắt là BRICS và giải thích vì sao ông không đánh giá cao khả năng hợp tác của họ.

Việc hợp tác với BRICS chưa hẳn là có lợi về kinh tế lẫn tư thế ngoại giao hay cả an ninh trong khi đối thủ lâu đời là Trung Quốc lại có vẻ giữ thế thượng phong. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là trong kinh tế học, ta cũng có truyện thần tiên! Số là năm 2001, một kinh tế gia gốc Anh của một tổ hợp đầu tư Mỹ là ông Jim O’Neill của tập đoàn Goldman Sachs đề xướng ý tưởng ngộ nghĩnh có lẽ với dụng ý quảng cáo cho việc đầu tư của họ. Ý tưởng đó là sự xuất hiện của các nền kinh tế "đang lên" hay đang tiến lên trình độ công nghiệp hóa. Ông nêu tên bốn nền kinh tế lớn của loại này là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, viết tắt theo Anh ngữ là B.R.I.C. Sau đó, bốn nước tưởng thật, kể từ 2009 thì hàng năm hội họp với ước mơ lập ra một trật tự kinh tế mới cho thế giới, rồi qua năm sau mời thêm một xứ khác tại lục địa Phi Châu là Cộng hoà Nam Phi, từ năm 2011 đó mới có tên chính thức là B.R.I.C.S.

 - Sáng kiến quảng cáo ấy ngộ nghĩnh vì gây ấn tượng các nền kinh tế đang lên có thể tách khỏi khối công nghiệp hóa để thành đầu máy kinh tế mới cho thế giới và là năm trung tâm thu hút đầu tư. Truyện thần tiên là 10 năm sau khi phát minh ra chữ BRIC, các nền kinh tế ấy vẫn lệ thuộc vào đà tăng trưởng của khối Âu-Mỹ-Nhật và đều bị suy trầm, thậm chí mấp mé khủng hoảng, như trường hợp Nga, Brazil hay Nam Phi từ vài năm nay. Nhưng khi có kẻ thổi bóng thì các quốc gia này chạy theo với ảo tưởng sẽ cạnh tranh rồi thay thế trật tự kinh tế do Hoa Kỳ và các nước Âu Châu lập ra từ sau Thế chiến II.


Nguyên Lam: Nhưng thưa ông, sau vụ khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ vào năm 2008 rồi khó khăn triền miên của khối Euro kể từ năm 2010, thì năm 2014, khối BRICS đã lập ra Ngân hàng Phát triển BRICS và một Quỹ cấp cứu các nền kinh tế bị khủng hoảng nhằm thay thế dần vai trò của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ngày nay thì các dự án đó tiến tới đâu và liệu rằng ước mơ thay thế kiến trúc tài chính và trật tự kinh tế của họ có thành không mà có người mỉa mai như ông vừa nhắc là mấy cục gạch thiếu xi măng? 




001_GR332629-305.jpg
Nhóm năm cường quốc BRICS. AFP


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khi người ta phát minh ra chữ này thì quả là các nền kinh tế đó đang tăng trưởng mạnh, dẫn đầu là Trung Quốc và Ấn Độ, và họ thấy là chưa được thế giới nể nang trong khi các định chế tài chính nói trên vẫn do Tây phương chi phối nên họ muốn là giải pháp thay thế. Nhưng khi thế giới bị Tổng suy trầm vào các năm 2008-2009 thì cả năm quốc gia đó đều gặp khó khăn, nhất là Nga và Brazil, Nam Phi và việc khối này đề nghị tung tiền cấp cứu Âu Châu chỉ là chuyện hão. Kết luận đầu tiên là đà tăng trưởng cao chưa là cơ sở của tích lũy và thứ hai, năm nước chưa thể mua bán với nhau mà tạo ra sự thịnh vượng chung vì phải tìm bạn hàng ở ngoài. Ngoại lệ ở đây là Trung Quốc, có mức xuất nhập khẩu đáng kể với bốn nước kia và có dự trữ ngoại tệ để đề ra sáng kiến thành lập Ngân hàng Phát triển với số vốn sơ khởi là 50 tỷ đô la. Sở dĩ sáng kiến này có vẻ hấp dẫn vì cho các nước đang phát triển một nguồn tài trợ khác mà chẳng có đòi hỏi khắt khe như Ngân hàng Thế giới hay Quỹ Tiền Tệ IMF.

 - Nhưng đã nói về bối cảnh thì ta chẳng quên rằng từ năm 2010 Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đồng ý cải cách IMF trong tinh thần mở rộng việc tham gia cho các nước khác và cuối năm ngoái thì Quốc hội Mỹ chính thức chấp nhận việc cải cách, nên sáng kiến của Bắc Kinh cũng mất phần hấp dẫn. Rồi IMF còn đồng ý đưa đồng Nguyên của Trung Quốc vào rổ ngoại tệ gọi là Quyền Đặc Trích SDR từ đầu Tháng 10 này, khi ấy, các nước còn lại, nhất là Ấn Độ, thấy việc hợp tác với BRICS chưa hẳn là có lợi về kinh tế lẫn tư thế ngoại giao hay cả an ninh trong khi đối thủ lâu đời là Trung Quốc lại có vẻ giữ thế thượng phong.


Nhiều mâu thuẫn?


Nguyên Lam: Như vậy, thưa ông, phải chăng dự án BRICS thành hình trên hai nền móng, thứ nhất là hợp tác kinh tế cho sự thịnh vượng chung và thứ hai, đáng kể không kém, là lập ra một thế đối trọng với định chế quốc tế do các nước Tây phương thành lập từ sau Thế chiến II?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như vậy và cả hai mục tiêu ấy đang thành viển vông.

- Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh thì kể từ 2008, năm quốc gia này đã rẽ qua hai ngả. Ba nước Brazil, Nga và Nam Phi đều bị suy thoái và đồng bạc sụt giá nặng so với Mỹ kim, còn lại chỉ có Trung Quốc và Ấn Độ là còn có tăng trưởng. Nhưng sự khác biệt trong cấu trúc kinh tế mới cản trở nỗ lực hợp tác hay hội nhập và từng nước đang có mục tiêu thương mại và đầu tư riêng, nhắm vào các thị trường ở ngoài khối. Vì vậy, sáng kiến của Bắc Kinh tại thượng đỉnh là thành lập một khối mậu dịch tự do giữa năm nước qua một Hiệp ước Thương mại lại chẳng được các nước hưởng ứng. Ngoài ba nước bị khủng hoảng là Brazil, Nga và Nam Phi, chỉ có Trung Quốc và nhất là Ấn Độ còn sức tăng trưởng, nhưng Trung Quốc cần xuất khẩu và sẵn sàng đổ hàng rẻ vào bốn nước kia thì khối BRICS lập tức tan rã và Nam Phi có thể xin triệt thoái trước tiên!

Khối BRICS muốn cải cách cấu trúc quốc tế nhưng có thành viên vẫn duy trì những gì có lợi cho họ và trong năm nước này, Nga và Tầu trong Hội đồng Bảo an lại là hai nước chưa có dân chủ! Tội gì mà họ thay đổi theo yêu cầu của ba nước còn lại? Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Nền móng hợp tác thứ hai là trở thành một thế lực đối trọng với các định chế do Tây phương thành lập từ sau Thế chiến II thì lại càng viển vông hơn. Định chế quốc tế số một là Liên hiệp quốc thì có Hội đồng Bảo an với năm thành viên thường trực có quyền phủ quyết là Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Tầu. Nếu muốn cải cách kiến trúc quốc tế thành hình từ 70 năm trước thì vì sao Bắc Kinh không cải tổ Liên hiệp quốc và nhận Ấn Độ làm thành viên thứ sáu của Hội đồng Bảo an? Ta nhớ là Tháng Chín vừa qua, Thủ tướng Nhật là Shinzo Abe cũng lên tiếng yêu cầu cải cách Liên hiệp quốc, và việc nước Nhật, với kinh tế có sản lượng đứng hạng ba sau Mỹ và Tầu, lại chẳng được nhận là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an cũng là điều không thỏa đáng. Tức là khối BRICS muốn cải cách cấu trúc quốc tế nhưng có thành viên vẫn duy trì những gì có lợi cho họ và trong năm nước này, Nga và Tầu trong Hội đồng Bảo an lại là hai nước chưa có dân chủ! Tội gì mà họ thay đổi theo yêu cầu của ba nước còn lại?


Nguyên Lam: Khi ấy, thưa quý thính giả, người ta còn thấy một sự khác biệt quan điểm khá trầm trọng giữa lãnh đạo ba nước Nga, Tầu và Ấn khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi muốn nêu đích danh một tổ chức khủng bố xuất phát từ Pakistan đã vừa tấn công thị trấn Uri tại khu vực Kashmir của Ấn Độ mà ông Modi gặp sự cản trở của Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình. Nếu vậy, thưa ông, làm sao khối BRICS có thể hợp tác sâu xa hơn về an ninh?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chuyện này quả thật rắc rối và cho thấy nhiều mâu thuẫn bên trong.

- Số là hôm 18 tháng trước, bốn tên khủng bố của lực lượng Jaish-e-Mohammed, tức là đạo quân của Mohammad, đã từ khu vực Kashmir của Pakistan lẻn qua tấn công một đồn binh của Ấn. Các nước trên thế giới đều lên án hành động này và tổ chức Jaish-e-Mohammed đã bị Liên hiệp quốc cùng nhiều nước khác xếp vào danh mục khủng bố mà thực tế thì vẫn được Pakistan bao che, nhưng nhóm BRICS tránh đả kích tổ chức khủng bố tại Pakistan trong thông cáo chung. Về lịch sử thì Ấn Độ và Pakistan có hiềm khích từ lâu đời, và Nga là đồng minh của Ấn từ thời Liên Xô, còn Pakistan là đồng minh của Trung Cộng. Riêng hai nước Tầu và Ấn cũng có mâu thuẫn nặng và năm 1962 giao tranh quân sự Ấn-Hoa đã bùng nổ và tình trạng đối nghịch ấy vẫn còn. Ngày nay, Trung Quốc vẫn muốn bênh Pakistan và Nga giữ thái độ hữu nghị với Ấn để bán võ khí và vừa ký một hợp đồng trị giá gần 11 tỷ đô la tại Thượng đỉnh của nhóm BRICS, nhưng tránh làm Pakistan mất lòng vì, như Bắc Kinh, Nga cũng muốn sử dụng quân cảng Gwadar có nước sâu của Pakistan tại Ấn Độ Dương.

- Trong khi ấy, các nước của Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á hay SAARC, như Afghanistan, Bhutan và Bangladesh, lại ủng hộ Ấn Độ và từ chối dự Thượng đỉnh SAARC vào tháng tới tại thủ đô Islamabad của Pakistan. Cùng Thượng đỉnh BRICS, Ấn Độ cũng tổ chức hội nghị của Sáng kiến Vịnh Bengale về Hợp tác Đa ngành Kỹ thuật và Kinh tế, gọi là BIMSTEC, gồm các nước Nam Á và Đông Nam Á là Bangladesh, Ấn Độ, Sri Lanka, Bhutan, Nepal, Thái Lan và Miến Điện. Ngược với nhóm BRICS cố tránh chuyện khủng bố, các nước kia, kể cả Thái Lan, cũng đều có cùng quan điểm với Ấn Độ.


Nguyên Lam: Như vậy, người ta thấy Ấn Độ lại bị cản trở ngay trong nội bộ của nhóm BRICS trong khi quan điểm của mình lại được các nước bên ngoài ủng hộ. Gặp hoàn cảnh đó, làm sao năm quốc gia này lại có thể hợp tác gắn bó hơn về các lĩnh vực ngoài kinh tế?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi không nghĩ rằng sẽ có sự hợp tác sâu xa về an ninh hay ngoại giao, mà hợp tác kinh tế thì giới hạn và hội nhập kinh tế thành một khối tự do mậu dịch thì xa vời, trong khi từng nước như Nga hay Ấn có khi lại muốn mở rộng giao dịch với kinh tế Nhật, Đức, Mỹ, Anh hoặc Nam Hàn. Còn lại thì chỉ có hai chương trình khởi động từ hai năm nay là có hy vọng. Đó là Ngân hàng Phát triển BRICS với 100 tỷ vốn và vài dự án đã được tài trợ và Quỹ cấp cứu có 100 tỷ đô là cho các nước nhất thời cần thanh khỏan bằng ngoại tệ. Năm nước chưa thể xé chiếu ngồi riêng, nhưng chỉ hợp tác với nhiều nghi ngại và đáng nghi ngại nhất là Trung Quốc cho hai lân bang kia là Nga và Ấn Độ. Kết luận thì năm hòn gạch thiếu xi măng chỉ là cái bệ cho các lãnh tụ hàng năm gặp nhau để nói thách và ngã giá, chứ mục tiêu tranh đua với các nước Tây phương chỉ là ảo giác tốn kém và vô bổ.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn tuần này.


Thứ Ba, tháng 10 25, 2016

Giải Phẫu Một Sự Thất Bại



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 161024
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Đảng Cộng Hòa đại bại vì không nhìn thấy nhiều đổi thay tai hại trong xã hội Hoa Kỳ    

* Cái gì đây, một thằng hề và một mụ phù thủy cùng xin kẹo? - Biết rồi, khổ lắm, nói mãi! *


Cuộc tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ đang đi vào ngã ngũ, nhiều phần thì ứng cử viên Hillary Clinton sẽ lên làm Tổng thống thứ 45. Với người viết, đây là một tai họa cho nước Mỹ, nhưng người ta cần thời gian để kiểm chứng, có thể là qua cuộc tổng tuyển cử năm 2020. Từ nay đến đó, ta cần nêu câu hỏi là vì sao đảng Cộng Hòa đã thất bại liên tục?

Mục đích của người viết không là “lập dị” mà chỉ nêu vài nghịch lý để chúng ta cùng suy ngẫm - và rút tỉa lấy kết luận.

Đảng Cộng Hòa thất bại từ năm 2012 khi rơi vào hội chứng “Donner Party” (xin đọc lại Bầy Voi Donner - Và hành trình bi hài của đảng Cộng Hoà.... Người-Việt ngày 20 Tháng Giêng 2012) là tự sâu xé và tự sát. Hiện tượng Donald Trump vừa qua chỉ là một hệ quả… nhỏ.


***

Một bậc quốc phụ Hoa Kỳ là Thomas Jefferson từng nói: “Tôi cho rằng một vụ nổi loạn nhỏ, khi này khi nọ, là điều tốt, và còn là cần thiết trong lãnh vực chính trị, tương tự như giông bão về thời tiết”. Chúng ta đã thấy sự nổi loạn trong quần chúng Cộng Hòa mà lãnh đạo đảng lại không hiểu và tỷ phú Donald Trump chỉ là con chim báo bão. Điều ấy không có nghĩa rằng con vịt này xứng đáng là Tổng thống Hoa Kỳ.

Trước hết, xin hãy nói về văn hóa xã hội.

Hôm Thứ Hai 17 vừa qua, tổ chức có tên là Sáng hội Tưởng niệm Nạn nhân Chủ nghĩa Cộng sản (tạm dịch từ Victims of Communism Memorial Foundation – VOC) vừa công bố phúc trình đầu tiên về “Thái độ của Hoa Kỳ đối với Xã hội Chủ nghĩa”.

VOC là một tổ chức vô vụ lợi về giáo dục và nhân quyền được Quốc hội Hoa Kỳ cho thành lập từ cuối năm 1993 để nghiên cứu và giáo dục dân chúng về tư tưởng, lịch sử, di sản của chủ nghĩa cộng sản. VOC yêu cầu công ty nghiên cứu YouGov khảo sát ý kiến dân Mỹ về xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Kết quả khảo sát được công bố cho thấy nhiều khác biệt về nhận thức theo từng thế hệ (xin tham khảo http://victimsofcommunism.org).

Như 80% thế hệ “Hậu chiến” (Babyboomers, sinh từ 1946 tới 1964) và 91% giới cao niên (sinh trước 1946) tin rằng chủ nghĩa cộng sản đã và vẫn còn là vấn đề cho thế giới. Chỉ có 55% thế hệ Trung niên (Millennials, sinh từ khoảng 1982 tới 2000) tin như vậy. Nếu 57% dân Mỹ nói chung có nhận xét tiêu cực về chủ nghĩa cộng sản thì chỉ có 37% thế hệ Trung niên nghĩ vậy. Gần hai phần ba lớp người trên 65 tuổi có thiện cảm với tư bản chủ nghĩa, tỷ lệ này trong lớp Trung niên chỉ còn là 42%. Và 45% lớp người trẻ từ 16 đến 20 tuổi cho biết họ sẵn sàng bầu cho một người theo xã hội chủ nghĩa, 21% muốn bầu cho người cộng sản!

Chúng ta có thể gọi đó là hiện tượng ký ức nhạt phai và điều ấy cũng giải thích vị trí của Nghị sĩ Bernie Sanders khiến bà Clinton phải ngả về lập trường cực tả trong cuộc tranh cử vừa qua.

Cuộc khảo sát còn cho thấy nhiều điều đáng ngại khác trong xã hội Hoa Kỳ.

Nói chung, dân Mỹ có ký ức khá mỏng về lịch sử, nhất là trong lớp trẻ. Về lãnh tụ cộng sản, thế hệ Trung niên không biết gì nhiều về Mao Trạch Đông (42%), Che Guevarra (40%) và Vladimir Lenin 33%. Trong số người trẻ biết về Lenin thì 25% lại có thiện cảm. Họ chẳng biết gì nhiều về các vụ thảm sát trong thế giới cộng sản, và khi so sánh thì tới 26% dân Mỹ và 32% Thế hệ Trung niên tin là nhiều người bị giết dưới thời George W. Bush hơn là dưới thời Joseph Stalin. Cũng so sánh thì giới trẻ ưa đọc Marx nhiều hơn là Thánh Kinh và gần với chủ trương tập thể hóa của Bernie Sanders hơn là lý luận kinh tế tự do của Milton Friedman.

Bước qua lãnh vực kinh tế, tới 40% dân Mỹ đòi hỏi “thay đổi căn bản” trong hệ thống kinh tế Hoa Kỳ để bảo đảm là những kẻ giàu nhất phải gánh vác một phần công bằng hơn và 53% lớp người thuộc thế hệ Trung niên tin rằng hệ thống kinh tế Hoa Kỳ có hại cho họ.

Cuộc khảo sát của VOC cho thấy hệ thống giáo dục có vấn đề khiến chúng ta phải đào sâu hơn xuống dưới.

Nền giáo dục công lập cấp Trung-Tiểu học (K-12) tại Hoa Kỳ thua kém trình độ chung của các nước công nghiệp hóa – gọi là Đệ nhất Thế giới – và cấp cao đẳng cũng chẳng khá hơn. Có học mà thất nghiệp về sống nhờ cha mẹ hết là trường hợp hãn hữu. Hóa ra hệ thống giáo dục Mỹ có hai tầng khác biệt: các trường trung và đại học xuất sắc nhất thế giới cho một thiểu số và các trường tầm thường cho đa số còn lại; trung bình toàn quốc thì thua nhiều nước khác.

Vì lý tưởng bình đẳng của giáo dục công lập và nhu cầu giới hạn ảnh hưởng của tôn giáo trong giáo dục, Hoa Kỳ lại còn có các “Tu chính án Blaine” - không vào tới Hiến pháp nhưng áp dụng tại đa số (38/50) tiểu bang – theo đó, không được dùng công quỹ tiểu bang tài trợ các trường tư thục do tôn giáo thành lập. Hậu quả bất lường của lý tưởng là đa số học sinh gia đình nghèo bị kẹt trong hệ thống công lập, nơi giáo chức và nghiệp đoàn là thành lũy của đảng Dân Chủ và dạy họ nhiều điều nhảm nhí về lịch sử hay xã hội.

Thiểu số có tiền thì cho con cái học trường tư với kết quả chói lọi, tốt nghiệp luật sư, kỹ sư, doanh gia và có ảnh hưởng văn hóa chính trị với cái nhìn “độ lượng”. Về chánh sách di dân thì chấp nhận di dân bất hợp pháp, về giáo dục thì chủ trương dạy song ngữ cho con cháu di dân gốc Mễ, khiến lớp trẻ này kém Anh ngữ và càng khó cạnh tranh khi ra đời và càng lệ thuộc nhà nước .

Xã hội Hoa Kỳ gặp hiện tượng bất bình đẳng từ nền giáo dục và sau khi lao vào toàn cầu hóa với những tiến bộ khoa học tới chóng mặt thì bị xé làm hai.

Thiểu số ưu tú thành công lớn, là Giai cấp Quý tộc nói chuyện Toàn cầu. Đại đa số còn lại thì tụt hậu về kiến thức lẫn lợi tức, không theo kịp đà tiến hóa của cạnh tranh. Kinh tế Hoa Kỳ mất dần loại công việc làm của thành phần trung lưu vì đổi thay trong khu vực chế biến, mà công việc làm của giới hạ lưu – trong ý nghĩa lợi tức – vẫn tăng. Người ta vẫn cần đầy tớ, làm vườn và hầu bàn. Di dân lậu có thể trám vào công việc đó, chứ loại việc có lương cao thì đã chạy ra ngoài.

Từ khi Hoa Kỳ bước vào Thế kỷ 21, hiện tượng phân cực đó đã gia tốc. Các đại tổ hợp Mỹ đã thải gần ba triệu việc làm tại Hoa Kỳ và tạo thêm hai triệu tư việc làm ở ngoại quốc. Hậu quả là tinh thần chống toàn cầu hóa đã manh nha từ lâu. Nghịch lý ở đây là ta chỉ nghe nói đến các tổ hợp này là khi họ cắt giảm việc làm và giá cổ phiếu lập tức tăng vọt!

Một thí dụ điển hình là Tổng quản trị Jeffrey Immelt của General Electrics với thành tích quái đản: cắt 34 ngàn việc làm trong nước, tạo 25 ngàn việc ở ngoài, làm cổ phiếu lên giá nhưng GE không trả thuế lợi tức liên bang vào năm 2010, trong khi Immelt được Tổng thống Barack Obama mời làm Cố vấn Hội đồng Phục hồi Kinh tế từ 2009! Mãi đến năm 2012, doanh gia này vẫn là tiếng nói có thế giá trong Phủ Tổng thống.

Thật ra, từ năm 2008 tới gần đây, giới nghiên cứu đã thấy ra tình trạng tụt hậu và xơ cứng. Phúc trình của tổ chức nghiên cứu Pew: Economic Mobility Accros Generations nhấn mạnh sự kiện này từ 2008 và cập nhật vào giữa năm 2012 (http://www.pewtrusts.org/en/research-and-analysis/reports/0001/01/01/pursuing-the-american-dream)

Đáng lẽ thành phần ưu tú trong đảng Cộng Hòa – từ các chính trị gia tới chiến lược gia và học giả - đã phải thấy sự bất động xã hội ấy. Họ không thấy hoặc không nhìn ra giải pháp nên thất bại là phải. Bài này dài hơn thông lệ vì phải nhắc đến hiện tượng bất thường ấy.

Xưa nay, Giấc mơ Hoa Kỳ là kết quả của sinh động kinh tế: cố làm việc thì ai cũng có thể cải tiến cuộc sống và leo thang lên bậc trên. Ngay từ đầu, sau khi ra Tuyên ngôn Cộng sản với Engels, Marx đã công nhận Hoa Kỳ không thể có đấu tranh giai cấp vì các giai tầng xã hội thường thay đổi rất nhanh. Ngày nay, xã hội Hoa Kỳ bị xơ cứng, các tỷ lệ thập phân (decile, 10% dân số) hay ngũ phân (quintile, 20%) cứ nằm tại chỗ. Ở dưới, thành phần nghèo thì trông chờ trợ cấp, thành phần trung lưu thì thua sút và nghèo thêm, trên cùng là sự xuất hiện của một Tân Giai Cấp nói chuyện toàn cầu. Xã hội Mỹ không còn ưu thế chuyển dịch có tính chất lịch sử mà thua kém nhiều nước khác, từ Canada tới Bắc Âu.

Cuộc khảo sát của Sáng hội VOC mới chỉ nói tới cái ngọn, với kết quả sau cùng là nhận thức nông cạn của giới trẻ. Các công trình nghiên cứu kia, từ Brookings Institution tới Pew Research, về sự tụt hậu và phân cực của nước Mỹ mới giải thích vì sao có người lại mê xã hội chủ nghĩa và cộng sản. Những người u mê này có thể là thiểu số, nhưng đa số thầm lặng hơn thì bất mãn, họ muốn có thay đổi. Lãnh đạo Cộng Hòa không hiểu ra điều ấy.

Năm 2012, khi sự bất mãn của quần chúng lên tới cực điểm sau vụ nổi loạn của phong trào Tea Party trong cuộc bầu cử 2010, đảng đề cử một tỷ phú ra tranh cử Tổng thống. Thống đốc Mitt Romney rất hiền lành tử tế đề ra giải pháp tối thiểu cho một tình trạng quá nguy ngập là chương trình hành động 49 điểm mà người Mỹ chẳng nhớ được một. Họ chỉ có thể nhớ con số 47% ông nói về thành phần bề nào cũng chẳng đóng thuế và sống nhờ trợ cấp. Họ bèn đóng cửa sự nghiệp của ông!

Từ đó đến nay, các bậc trưởng thượng trong đảng chẳng có sáng kiến gì hơn về số phận của dân Mỹ bình thường và nhiều người uất ức nằm dưới đáy của sự tầm thường. Họ vẫn quanh co với nguyên tắc lý tưởng của phát triển trong kỷ cương, luật lệ. Đấy là lúc một tỷ phú khác xuất hiện. Trái ngược với Mitt Romney, Donald Trump ăn nói sỗ sàng, đôi khi hạ cấp về giáo dục mà lại hợp tai thành phần hạ lưu về kinh tế và trung lưu nghèo.

Cuộc nổi loạn của Jefferson đã có tiếng nói, nhưng lại là tiếng nói thô tục làm đảng Cộng Hòa ưa chuộng đạo đức phải ngỡ ngàng. Ngoài chuyện phong cách, đảng Cộng Hòa còn thất bại vì không hiểu ra và nói tới giải pháp cho một vấn đề quá lớn, từ giáo dục đến xã hội và kinh tế….

Hãy nhìn lại, hai nước lân bang của Hoa Kỳ là Canada và Mexico đều khắt khe thanh lọc di dân: bất hợp pháp là trục xuất! Chánh sách tiếp nhận di dân của Canada căn cứ trên lợi ích kinh tế, của Hoa Kỳ là quan hệ gia đình nên di dân vào Mỹ chậm đóng góp cho kinh tế và gây tốn kém nhiều hơn cho ngân sách. Trong khi di dân lậu lại hy vọng được hợp thức hóa để sẽ bỏ phiếu bên đảng Dân Chủ, là nơi quy tụ Giai cấp Quý tộc có ngôn ngữ thương người rất ảo diệu!  Nhà báo nông cạn nào cũng có thể nói rằng các giải Nobel của Mỹ năm nay đều là từ di dân, nhưng loại di dân ưu tú đó vẫn thuộc về Giai cấp Quý tộc ở trên cùng.

Người Mỹ bình thường nổi điên về chuyện ấy, còn Donald Trump làm đảng Cộng Hòa lãnh cái mũ kỳ thị.

Ngoài tệ nạn giáo dục và dân số bất chuyển, Hoa Kỳ còn đứng cuối bảng của các nước công nghiệp hóa về một tai họa khác: tham nhũng. Nhưng, giới vận động tài chánh về chính sách trong chính trường, hay các đại gia tài trợ ứng cử viên vẫn thừa khả năng tiến hành việc mua chuộc một cách hợp pháp. Trường hợp của Jeffery Immelt từ tổ hợp GE hay gia đình Clinton trong Clinton Foundation mới chỉ là cái ngọn ở trên, nhưng được truyền thông quý tộc bỏ qua.

Trong một xã hội mà tham nhũng là quy luật phổ biến thì một món hàng lại thành sản phẩm khan hiếm trên chính trường, là niềm tin. Ngày nay, chỉ có 19% dân Mỹ nói rằng họ tin vào chính quyền, tụt dốc thê thảm so với tỷ lệ 73% vào năm 1958. Riêng trong đảng Cộng Hòa, niềm tin đó chỉ còn 6%. Khi hơn 90% những người xưng danh Cộng Hòa hết tin vào nhà nước mà giới lãnh đạo lại không hiểu và cứ nói đến các chương trình có nội dung chắp vá thì họ tan rã là phải. Kết cuộc thì một đại gia quý tộc bên Dân Chủ lên làm tổng thống dù chẳng là người đáng tin.

Đảng Cộng Hòa đổ lỗi này cho Donald Trump thì chỉ tiếp tục tự sát!